Ngày 16 tháng 4 năm 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum có Văn bản số 1260/UBND-KGVX gửi đến các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh; Chi Cục thuế Khu vực XIV; Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực 11; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các doanh nghiệp viễn thông về triển khai thực hiện Thông báo số 56/TB-VPCP ngày 23 tháng 02 năm 2025 của Văn phòng Chính phủ về kết luận Phiên họp tổng kết hoạt động Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025; Kết luận số 2588-KL/TU ngày 18 tháng 3 năm 2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, theo đó Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nâng cao vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung tại Thông báo số 56/TB-VPCP và Kết luận số 2588/KL/TU, trong đó tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức những kết quả nổi bật, tồn tại, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số trong thời gian tới tại Thông báo số 56/TB-VPCP và Kết luận số 2588-KL/TU; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về chuyển đổi số và Đề án 06 bằng nhiều hình thức.
Nêu gương đi đầu, tiên phong trong nhận thức, đổi mới tư duy, phương pháp luận về chuyển đổi số; chỉ đạo quyết liệt những nhiệm vụ chậm tiến độ, tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn theo nguyên tắc “lãnh đạo từ trên xuống, nhưng tổ chức thực hiện, tháo gỡ vướng mắc phải từ dưới lên”.
Tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đáp ứng được yêu cầu tham mưu và triển khai thực hiện chuyển đổi số. Rà soát, có cơ chế, chính sách để phát huy vai trò của Tổ Công nghệ số cộng đồng tại cơ sở, bảo đảm thực sự là lực lượng nòng cốt trong việc ứng dụng nền tảng phát triển kinh tế số, hỗ trợ kết nối nông dân với thị trường giúp giảm thiểu vai trò trung gian, nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi số và an toàn an ninh mạng.
Ban hành kế hoạch chuyển đổi số của đơn vị, địa phương đảm bảo triển khai có hiệu quả Nghị quyết 03/NQ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2025 của Chính phủ và Chương trình số 95-CTr/TU ngày 24 tháng 01 năm 2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị “về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.
Hoàn thành xây dựng, cập nhật, chuẩn hóa các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi số.
Nghiên cứu, xây dựng đề án/kế hoạch ứng dụng internet vạn vật (IoT) trong một số ngành, lĩnh vực, như: sản xuất, thương mại, năng lượng, nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh (sau khi Trung ương ban hành các Đề án liên quan).
Chuyển trạng thái cung cấp dịch vụ công từ “xin - cho” sang trạng thái “chủ động - phục vụ”; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến toàn trình hướng tới dịch vụ số cá nhân hóa, không phụ thuộc địa giới hành chính. Phấn đấu đến hết năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến, 40% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Hết tháng 6 năm 2025, 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân.
Đến ngày 30 tháng 6 năm 2025, tất cả lãnh đạo, cán bộ, công chức các đơn vị, địa phương phải xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng và sử dụng chữ ký số để giải quyết công việc.