bai-tham-luan-tai-le-ky-niem-ngay-doanh-nhan-viet-nam

Bài tham luận tại Lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam

Bài tham luận tại Lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam

Article

Nhân dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân 13/10. Ban quản lý Khu kinh tế đăng tải bài tham luận tại Lễ kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam (13/10) và Biểu dương, khen thưởng doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2019.

Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum được thành lập theo Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ Tướng Chính phủ; là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh Kon Tum, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, các Khu công nghiệp và Cụm công nghiệp Đăk La, huyện Đăk Hà .

Phần thứ nhất:

Giới thiệu khái quát về Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y,

các Khu công nghiệp và Cụm công nghiệp Đăk La

 

1. Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y:

Được thành lập từ năm 1999 thuộc địa bàn huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum; tổng diện tích tự nhiên theo quy hoạch được duyệt là 70.438 ha[1].

Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y có vị trí địa chính trị - địa kinh tế rất thuận lợi; có cửa khẩu Quốc tế Bờ Y tiếp giáp với cửa khẩu Phu Cưa của Lào và 01 cửa khẩu Đăk Kôi thông thương sang cửa khẩu Kon Tuy Neak  của Campuchia; Là khu kinh tế động lực, có vai trò đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Tây nguyên và khu vực.

Có hệ thống giao thông thuận lợi với các trục đường chính đi qua: đường Hồ Chí Minh; quốc lộ 40 và quốc lộ 14C. Nhiều tuyến đường giao thông quan trọng ở các nước kết nối tới cửa khẩu Quốc tế Bờ Y đã và đang được Chính phủ các nước quan tâm đầu tư như: đường cao tốc từ cửa khẩu Quốc tế Bờ Y đến sân bay Pleiku (Việt Nam); quốc lộ 16A từ Pak Sế đến thị xã Attapư, đường 18B từ thị xã Attapư đến cửa khẩu Phu Cưa (Lào); cầu Pak Sế qua sông Mê Kông (Lào - Thái Lan); các tuyến đường nối các tỉnh Nam Lào với các tỉnh Đông Bắc - Campuchia và các tỉnh Tây Nguyên - Việt Nam, Khu kinh tế nằm trên tuyến đường bộ trong kế hoạch của ASEAN là ASEAN 11 (Hội An - Kon Tum - Buôn Ma Thuột - Hồ Chí Minh - Mộc Bài) và ASEAN 6B (Dung Quất - Quốc lộ 18B Lào).

Hoạt động sản xuất kinh doanh tại cửa khẩu quốc tế Bờ Y giai đoạn 2016-2018: Doanh thu của hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt 1.693,004 tỷ đồng; giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu là 564,2 triệu USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 141,4 triệu USD, giá trị nhập khẩu đạt 422,8 triệu USD, tổng thu  vào ngân sách nhà nước là 596,3 tỷ đồng. Số lượng xuất nhập cảnh giai đoạn 2016 - 2018 là: 916.687 lượt người và phương tiện. Trong đó có 819.299 lượt người xuất nhập cảnh.

Số liệu 9 tháng đầu năm 2019: giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 136,200 triệu USD; hành khách xuất nhập đạt 183.100 lượt; phương tiện XNC 9 tháng đầu năm 2019 đạt 25.626 lượt; thu ngân sách đạt 151.166 triệu đồng.

 Tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã thu hút 51 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư 1.156,580 tỷ đồng, diện tích đất cho thuê126 ha, với nhiều ngành nghề sản xuất đa dạng; cung ứng dịch vụ kho bãi, dịch vụ đổi tiền, bán hàng miễn thuế, cung ứng xăng dầu, nhà hàng, khách sạn .v.v. Ngoài ra trên địa bàn Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, cón có khoảng1.350 hộ gia đình kinh doanh.

2. Khu công nghiệp Hòa Bình:

Nằm cạnh đường Hồ Chí Minh, thuộc phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum, cách trung tâm thành phố 02 km về phía Nam. Cách sân bay Pleiku khoảng 45 km. Đã được thành lập([2]) và đầu tư hoàn thiện về hạ tầng và hệ thống xử lý nước thải;  diện tích: 60 ha, tỉ lệ lấp đầy đạt 100% diện tích đất công nghiệp cho thuê.

Hiện nay có 36 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 664,433 tỷ đồng, vốn thực hiện 425,002 tỷ đồng.

3. Khu công nghiệp Hòa Bình giai đoạn II:

Nằm cạnh đường Hồ Chí Minh, thuộc phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum, cách trung tâm thành phố 04 km về phía Bắc. Cách sân bay Pleiku khoảng 50 km[3]; đã quy hoạch chi tiết; đang lập dự án đầu tư hạ tầng, khoảng giữa Quý IV/2019, đầu năm 2020 có thể tiếp nhận dự án đầu tư vào KCN này. (đây là KCN đa ngành)

4. Khu công nghiệp Sao Mai:

Nằm cạnh đường Hồ Chí Minh, thuộc xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum, cách trung tâm thành phố  Kon Tum khoảng 9 km về phía Nam. Cách sân bay Pleiku khoảng 35 km. Diện tích 150 ha đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết; diện tích đã được bồi thường giải phóng mặt bằng giai đoạn I (khoảng 79,4ha)([4]); đang lập dự án đầu tư hạ tầng; đang xây dựng khu xử lý nước thải tập trung; dự kiến giữa quý VI/2019, đầu năm 2020 sẽ tiếp nhận dự án đầu tư vào KCN này.

5. Khu công nghiệp Đăk Tô:

Nằm cạnh đường Hồ Chí Minh, thuộc thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, cách thành phố Kon Tum khoảng 38 km về hướng Tây Bắc. Cách sân bay Pleiku khoảng 80 km. Quy mô diện tích khoảng 146,76 ha; đã lập quy hoạch chi tiết; kêu gọi đầu tư kinh doanh hạ tầng sau khi KCN Hòa Bình và KCN Sao Mai lấp đầy 60% diện tích.

6. Cụm công nghiệp Đăk La:

Nằm cạnh đường Hồ Chí Minh, thuộc xã Đăk La, huyện Đăk Hà, cách thành phố Kon Tum 10 km về hướng Bắc. Cách sân bay Pleiku khoảng 65 km.

Diện tích quy hoạch 73,78 ha; đa quy hoạch chi tiết và được đầu tư một số hạng mục cơ sở hạ tầng([5]); chuẩn bị xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; đang tiếp nhận các dự án đầu tư vào CCN này.

Đến nay đã có 04 dự án được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư, tổng vốn đăng ký 193,500 tỷ đồng, Diện tích đất đã cho thuê: 9,044 ha.

Phần thứ hai:

Chính sách ưu đãi đầu tư áp dung tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế

Bờ Y, các Khu công nghiệp và cụm công nghiệp Đăk La

Các dự án đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, các Khu công nghiệp và cụm công nghiệp Đăk La được áp dụng đối với địa bàn ưu đãi đầu tư thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn[6].

Hình thức áp dụng ưu đãi đầu tư, bao gồm:

- Áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp;

- Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư;

- Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất.

Nhà đầu tư căn cứ điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật đầu tư, Nghị định 118/2015/NĐ-CP và quy định khác của pháp luật có liên quan để tự xác định ưu đãi đầu tư và thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan đăng ký đầu tư (Ban quản lý khu kinh tế), cơ quan thuế, cơ quan tài chính và cơ quan hải quan tương ứng với từng loại ưu đãi đầu tư.

Phần thứ ba:

Một số kết quả trong công tác cải cách TTHC, thu hút đầu tư thực hiện

quan điểm đồng hành cùng doanh nghiệp của Thủ Tướng Chính phủ.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, các Khu CN và Cụm Công nghiệp Đăk La, thời gian qua Ban quản lý Khu kinh tế đã đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng nhà đầu tư cụ thể:

1. Về chỉ đạo, điều hành và nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh:

 - Đẩy mạnh công tác chỉ đạo trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là trong công tác cải cách TTHC. Tập trung khắc phục hiệu quả những nguyên nhân gây trở ngại làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh.

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm, chủ động sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động triển khai có hiệu quả Đề án cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Kon Tum đến năm 2020.

- Công khai đường dây nóng tại trụ sở cơ quan; Hỏi đáp trực tuyến trên cổng  thông tin điện tử của Ban quản lý Khu kinh tế để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp, nhà đầu tư;

- Quán triệt đạo đức công vụ cho cán bộ công chức, thực hiện cải cách hành chính; chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu; thực hiện tốt tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp; kiên quyết xử lý cán bộ công chức vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho doanh nghiệp;

- Chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc nghiêm túc thực hiện quy định về đất đai, xây dựng, môi trường, đăng ký kinh doanh, đầu tư và các TTHC liên quan để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.

2. Cải cách hành chính và nâng cao chất lượng nền công vụ

 - 100% các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt, công bố đều được đăng tải lên Trang thông tin điện tử (kkt-kontum.gov.vn) và chuyển đến Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh tiếp nhận và trả kết quả từ tháng 7/2019, góp phần giảm thời gian và đơn giản hóa trong việc giải quyết TTHC cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

- Rà soát, đơn giản hoá, bãi bỏ các TTHC và cắt giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết tất cả các TTHC liên quan đến lĩnh vực đầu tư, lao động, thương mại, đất đai, xây dựng...cho doanh nghiệp, nhà đầu tư so với quy định, các TTHC được giải quyết trước và đúng hẹn, không có trường hợp trễ hẹn.

 - Tuyên truyền, phổ biến trên Website của Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh về các TTHC của Ban quản lý Khu kinh tế, về quy hoạch các khu chức năng trên địa bàn Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, các khu công nghiệp, Cụm công nghiệp Đăk La về cơ chế chính sách, ưu đãi đầu tư vào Khu kinh tế tỉnh.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hiện đại hóa nền hành chính. Trang bị đầy đủ hệ thống máy vi tính và kết nối mạng cho cán bộ công chức, viên chức. Việc tiếp nhận và xử lý văn bản hành chính đều được thực hiện qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành Ieoffic .

3. Đổi mới nâng cao chất lượng công tác quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư

- Phối hợp tốt với Sở Kế hoạch đầu tư và Trung tâm Xúc tiến đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Đà Nẵng nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.

- Hàng năm xây dựng Chương trình, Kế hoạch chi tiết thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư; bổ sung, điều chỉnh các dự án kêu gọi đầu tư vào danh mục thu hút đầu tư của tỉnh.

Hiện nay Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh đang tiếp tục kêu gọi thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, đăng ký đầu tư vào các lĩnh vực: Chế biến nông lâm sản, hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nhóm ngành công nghiệp khác ít gây ô nhiễm môi trường; Các dự án đầu tư chế biến dược liệu Hồng đẳng sâm, sâm Đương quy, sâm Ngọc linh và các loại dược liệu khác; Sản xuất điện năng từ nguồn năng lượng mặt trời để bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

4. Thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

- Chú trọng công tác đôn đốc thúc đẩy các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án đầu tư sau khi được cấp phép. Duy trì tốt và nâng cao hơn nữa chất lượng các dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư, gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

- Thực hiện công khai quỹ đất chưa sử dụng, đất chưa cho thuê, cho thuê lại tại Khu kinh tế cửa khẩu, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thuộc quản lý của Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh tạo điều kiện thuận lợi các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu và nghiên cứu quyết định đầu tư.

5. Đánh giá tổng quát:

5.1. Những kết quả đạt được:

Các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và các KCN đã trở thành yếu tố thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đóng góp nguồn thu cho ngân sách, mở mang các ngành nghề mới, tạo thêm việc làm cho người lao động, làm thay đổi diện mạo một vùng kinh tế, đã dần hình thành lên các khu dân cư, khu đô thị mới, kéo theo những dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu cho sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn; đã góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh từ nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ, làm tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Xây dựng các KCN tập trung tạo điều kiện để tập trung xử lý chất thải, bảo vệ môi trường thuận lợi hơn. Tình hình an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn KCN, KKT luôn được đảm bảo và giữ vững; công tác đấu tranh ngăn chặn, phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y được các ngành chức năng duy trì thường xuyên, cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ các hoạt động qua lại cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

5.2. Những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân: :

Hạ tầng KKTCK, các KCN chưa được đầu tư đồng bộ; quỹ đất sạch để cho nhà đầu tư thuê còn hạn chế; một số dự án đã được cấp phép đầu tư triển khai thực hiện còn chậm so với tiến độ đăng ký, sử dụng đất kém hiệu quả; chậm đầu tư đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh; sử dụng lao động tại chỗ ít.

Với phương châm: Ban quản lý khu kinh tế đồng hành cùng doanh nghiệp, xem doanh nghiệp là đối tượng phục vụ trong thời gian tới Ban quản lý cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa, cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc; tập trung giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư vào Khu kinh tế, các khu công nghiệp theo cơ chế “Một cửa tại chổ” giảm thiểu tối đa chi phí về thời gian và các chi phí khác cho nhà đầu tư.

BBT

[1]Quyết định  số 225/QĐ-TTg ngày 08/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ   

([2]) Quyết định số 14/QĐ-UBND ngày 12/1/2015 của UBND tỉnh Kon Tum.

[3] văn bản số 433/TTg-CN, ngày 06 tháng 4 năm 2018

     [4] Quyết định số 539/QĐ-UBND ngày 12/5/2005 của UBND tỉnh Kon Tum.

[5]  Đã được đầu tư hạ tầng từ NSNN (một số tuyến giao thông nội bộ): 10,766 tỷ đồng; đã đền bù giải phóng mặt bằng khoảng 16 ha; tỷ lệ lấp đầy 16,8%.

[6]  Quy định tại Điểm b, mục 1, Điều 16 và Phụ lục II Nghị định 118/2015/NĐ-CP ;

Từ khóa:

Top page Desktop