Biên giới Lào-Việt Nam: Hòa bình, hợp tác và phát triển
Việt Nam-Lào anh em là hai quốc gia láng giềng, có chung đường biên giới trải dài từ rừng núi đến sông ngòi… Quan hệ hữu nghị Việt – Lào là mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện, sự gắn bó được thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử, cả trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho đến đời sống của nhân dân hai nước, đồng thời là mối quan hệ mẫu mực, trong sáng và thủy chung hiếm có trên thế giới.
Mới đây, trang thông tấn xã Lào (KPL) có đăng tải bài viết với chủ đề “Biên giới Lào-Việt Nam – Biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển”, đã điểm lại một số các quan hệ hợp tác nổi bật trong lĩnh vực biên giới giữa hai nước trong thời gian qua.
Theo đó, hai Đảng và nhà nước Lào-Việt Nam cùng có sự quan tâm sâu sắc đến vấn đề hợp tác biên giới và cụ thể hóa bằng việc ký kết Hiệp ước hoạch định biên giới giữa CHDCND Lào và CHXHCN Việt Nam ký ngày 18/7/1977 để tạo nền tảng chính trị và luật pháp nhằm giải quyết các vấn đề biên giới chung giữa hai quốc gia. Kể từ đó đến nay, hai bên đã ký tiếp hai Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới, ba Nghị định thư về đường biên giới trên thực địa và cắm mốc toàn bộ đường biên giới chung giữa hai nước; ký các Hiệp định về quy chế biên giới giữa CHDCND Lào và CHXHCN Việt Nam, cùng nhiều văn bản bổ sung liên quan.
Hai nước có chung đường biên giới với tổng chiều dài hơn 2.300km, đi qua 10 tỉnh biên giới của Việt Nam là Điện Biên, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam và Kon Tum; tiếp giáp với 10 tỉnh biên giới của Lào là Phongsaly, LuanPrabang, Huaphanh, Xiengkhuang, Bolykhamxay, Khammuan, Savannakhet, Salavane, Sekong và Attapeu. Trong giai đoạn 1978-1987, hai nước đã phối hợp tiến hành công tác cắm mốc nhưng gặp phải một số khó khăn và hạn chế, đến năm 2008 mới tiếp tục triển khai dự án cắm mốc và tôn tạo hệ thống cột mốc biên giới quốc gia.
Trải qua nhiều năm, vượt qua các khó khăn về vật chất, nhân lực, hai nước Lào-Việt Nam đã hoàn thành cắm mốc biên giới ở 1.002 điểm, xây dựng 905 cột mốc và hoàn tất việc lập bản đồ biên giới Lào-Việt Nam tỷ lệ 1/50.000, bình quân cứ mỗi 2.6km biên giới hai nước sẽ có một điểm mốc. Việc hoàn tất các hoạt động phân định biên giới nói trên đã tạo tiền đề cho hai bên đạt được những thỏa thuận chung mới, đồng thời có ý nghĩa quan trọng về chính trị, phát triển kinh tế khu vực biên giới chung, hợp tác văn hóa, du lịch giữa nhân dân Lào và Việt Nam.
Kể từ khi hai nước ký kết hiệp định hợp tác giao thương biên giới năm 2015 đến nay đã đạt được các thành tựu tích cực trên nhiều mặt, việc khuyến khích thương và đầu tư đôi bên được đẩy mạnh, thu hút các doanh nghiệp đầu tư trên nhiều lĩnh vực, góp phần quảng bá sản phẩm, thế mạnh phát triển xuất khẩu và cung cấp hàng hóa, dịch vụ giữa các địa phương hai nước. Đến nay, Việt Nam đã tham gia đầu tư vào tổng cộng 414 dự án tại Lào với giá trị 4.2 tỷ USD, đứng thứ 3 trong nhóm các quốc gia đầu tư vào Lào. Đặc biệt trong đó, tại 10 tỉnh biên giới của CHDCND Lào hiện có 110 dự án đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp Việt Nam, trị giá trên 2.7 tỷ USD, các dự án này đóng góp vào nguồn thu ngân sách nhà nước, đồng thời mang lại lợi ích cho kinh tế-xã hội, góp phần vào công cuộc giảm nghèo của Lào.
Về lĩnh vực phát triển mạng lưới giao thương vùng biên, hiện có tổng cộng 36 chợ biên giới Lào-Việt Nam. Hai bên cũng có 8 cặp cửa khẩu quốc tế, 7 cửa khẩu quốc gia, 18 lối mở biên giới và 8 khu kinh tế đặc thù. Theo KPL, các thành tựu này đạt được từ tình hữu nghị, đoàn kết và hợp tác trên tinh thần đôi bên cùng có lợi, phản ánh mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Lào-Việt Nam.
Ngoài ra, KPL cũng nhấn mạnh phối hợp nhanh chóng giữa hai bên trong việc bổ sung, tôn tạo các cột mốc biên giới đã tạo điều kiện thuân lợi cho thương mại song phương, tình hình an ninh khu vực biên giới chung giữa Lào-Việt Nam được đảm bảo, góp phần củng cố mối quan hệ bền chặt không thể tách rời giữa hai quốc gia.
Theo tapchilaoviet.com
BQL Cửa khẩu tổng hợp