Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nhiều doanh nghiệp đến xúc tiến đầu tư tại tỉnh, UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước.
Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020. Thực hiện việc đánh giá kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính đối với cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh thông qua việc đánh giá, chấm điểm và kiểm tra thực tế công tác cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh. Trong năm 2016, đã kiểm tra 25 cơ quan, đơn vị.
Đặc biệt, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành rà soát quy trình thủ tục đầu tư tại đơn vị, nghiên cứu rút ngắn tối thiểu 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính và giám sát quá trình thực hiện. Làm việc trực tiếp với một số Sở, ngành, đơn vị thuộc tỉnh có liên quan trực tiếp và thường xuyên đến hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư, bước đầu nhiều thủ tục tại các cơ quan, đơn vị đã được rút ngắn thời gian giải quyết, như: Rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục Quyết định chủ trương đầu tư từ 35 ngày làm việc xuống còn 15 ngày; cấp giấy phép xây dựng từ 30 ngày xuống còn 10 ngày; cấp giấy phép quy hoạch từ 45 ngày xuống 15 ngày làm việc; thành lập mới doanh nghiệp còn 03 ngày; các thủ tục còn lại đối với lĩnh vực đăng ký kinh doanh thực hiện không quá 01 ngày làm việc; thời gian giao đất, cho thuê đất giảm 10 ngày làm việc, trường hợp dự án có ảnh hướng đến rừng thì giảm 05 ngày làm việc; thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư giảm 12 ngày so với quy định…
Cùng với đó, UBND tỉnh tăng cường phân cấp, ủy quyền cho ngành giải quyết một số thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhà đầu tư: Sở Công Thương ban hành quy trình, thủ tục, thời gian xác nhận phù hợp quy hoạch, bổ sung quy hoạch thuộc lĩnh vực điện. Qua đó, thời gian giải quyết thủ tục hành chính giảm từ 07 -10 ngày so với quy định.
Ngoài ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố khai thực hiện các nội dung tại Bản cam kết giữa UBND tỉnh với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; rà soát, công bố thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị.
Công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, bảo đảm 100% hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra và 100% hồ sơ khiếu nại của người nộp thuế được giải quyết đúng thời gian quy định của pháp luật. Công khai, minh bạch các quy định của Luật Quản lý thuế, các quy trình thanh tra, giải quyết khiếu nại và hoàn thuế giá trị gia tăng. Tỷ lệ người nộp thuế thực hiện khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử được duy trì ở mức trên 95%, bảo đảm thực hiện đúng lộ trình cắt giảm thời gian nộp thuế được Chính phủ giao cho ngành thuế.
Thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới đảm bảo tối đa 10 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 12 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh thực thi các phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính; cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cho các doanh nghiệp rút ngắn 30% thời gian quy định; cải cách thủ tục cho vay, đơn giản hóa thủ tục cho vay tại các tổ chức tín dụng…
Ngành bảo hiểm xã hội tỉnh tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận “Một cửa” của Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh và cấp huyện; mặt khác còn áp dụng việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính bằng các hình thức như: nhận và trả kết quả qua dịch vụ chuyển phát nhanh qua Bưu điện; thực hiện giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp và đề nghị cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế. Trong năm 2016, có 1.359/1.647 đơn vị thực hiện giao dịch điện tử và qua mạng internet. Trước đây, Bảo hiểm xã hội tỉnh có 115 thủ tục hành chính, đến nay giảm xuống chỉ còn 33 thủ tục.
Cùng với cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tỉnh Kon Tum còn tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá thông tin, thường xuyên rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ lập dự án và chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các nhà đầu tư tâm huyết và đầy đủ thủ tục theo quy định...
Trong năm 2016, tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư 32 dự án với tổng vốn đăng ký trên 1.769 tỷ đồng (trong đó: tại Khu Kinh tế 07 dự án, KCN 04 dự án, tổng vốn đăng ký 506,96 tỷ đồng).
Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017 và định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành các Kế hoạch, Chương trình hành động, Đề án cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Kon Tum đến năm 2020 và chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện.
Toàn tỉnh Kon Tum có 2.216 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng vốn đăng ký 1.210 tỷ đồng, trong đó thành lập mới trong năm 2016 là 163 doanh nghiệp.
Theo kontum.gov.vn