chinh-sach-moi-co-hieu-luc-tu-thang-012019

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 01/2019

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 01/2019

Article

Doanh nghiệp phải công khai việc đóng BHXH, BHYT; Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2019; Điều kiện thành lập tổ chức hành chính; ... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 01/2019.

Doanh nghiệp phải công khai việc đóng BHXH, BHYT

Nghị định 149/2018/NĐ-CP, ngày 07/11/2018, của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc có hiệu lực từ 01/01/2019. Nghị định này quy định nguyên tắc, nội dung, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động (người sử dụng lao động).

Trong đó, nội dung người sử dụng lao động phải công khai gồm: Tình hình thực hiện nhiệm vụ, sản xuất, kinh doanh; nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể khác mà doanh nghiệp tham gia; nghị quyết Hội nghị người lao động; việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp (nếu có); việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tình hình thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2019

Theo Nghị định số 157/2018/NĐ-CP, ngày 16/11/2018, của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ ngày 1/1/2019 như sau: Vùng I: 4.180.000 đồng/tháng; vùng II: 3.710.000 đồng/tháng; vùng III: 3.250.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.920.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương năm 2018 khoảng 160.000-200.000 đồng/tháng.

Điều kiện thành lập tổ chức hành chính

Theo Nghị định 158/2018/NĐ-CP, ngày 22/11/2018, của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính có hiệu lực từ 10/01/2019, tổ chức hành chính được thành lập khi đáp ứng đủ 5 điều kiện:

1- Có cơ sở pháp lý.

2- Đáp ứng các tiêu chí thành lập theo quy định của pháp luật.

3- Có phạm vi, đối tượng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực hoặc lĩnh vực quản lý nội bộ của tổ chức hành chính.

4- Có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức hành chính khác.

5- Loại hình và quy mô tổ chức hành chính được thành lập phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức và yêu cầu cải cách hành chính nhà nước.

Hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa

Có hiệu lực từ 06/01/2019, Thông tư 01/2018/TT-VPCP ngày 23/11/2018 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, trong đó quy định về Cổng dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp Bộ, cấp tỉnh.

                                                                                                                               BBT tổng hợp

 

Top page Desktop