Đánh giá mô hình di chuyển của người dân Lào sang Việt Nam để khám chữa bệnh thông qua cặp cửa khẩu quốc tế Bờ Y tỉnh Kon Tum và cửa khẩu Phu Cưa tỉnh Át Tạ Pư của Lào
Từ ngày 12/8/2024 đến ngày 14/8/2024, tại cặp Cửa khẩu quốc tế Bờ Y tỉnh Kon Tum và cửa khẩu Phu Cưa tỉnh Át Tạ Pư của Lào, Đoàn công tác của Cục Y tế Dự phòng- Bộ Y tế thực hành bộ công cụ Kết nối dân số xuyên biên giới (PopCAB) tại tỉnh Kon Tum
Trong những năm gần đây, tại Lào liên tục ghi nhận các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và sự kiện y tế công cộng đòi hỏi hai nước cần có sự phối hợp chặt chẽ xuyên biên giới để cùng nhau giải quyết như: H5N1 (2021), Cúm A (H1N1) 2019-2020, lũ lụt do thủy điện Attapeu (2018), Bại liệt (2015), gần đây nhất là bệnh Than (3/2024). Việt Nam có hiệp định song phương với Lào về Kiểm dịch y tế biên giới (2001). Việt Nam và Lào là 02 nước láng giềng có quan hệ chính trị, ngoại giao tốt, đặc biệt, lâu đời nên các hoạt động thương mại, giao lưu văn hóa nhân dân giữa hai quốc gia rất thuận lợi. Đặc biệt, Trong thời gian qua người dân Lào sang Việt Nam khám chữa bệnh là một hiện tượng phổ biến, khi hệ thống y tế và dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam ngày càng phát triển.
Đoàn công tác thực hiện các cuộc thảo luận nhóm trọng tâm và phỏng vấn sâu với các ngành chức năng tại cửa khẩu, với cán bộ y tế địa phương và cư dân sinh sống tại vùng biên nhằm mục đích đánh giá mô hình di chuyển của người dân Lào sang Việt Nam để khám chữa bệnh thông qua cặp cửa khẩu quốc tế Bờ Y tại tỉnh Kon Tum và cửa khẩu Phu Cưa tại tỉnh Át Tạ Pư của Lào, từ đó đề xuất các biện pháp kiểm soát phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm qua cửa khẩu đạt hiệu quả, góp phần thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh qua biên giới.
Tô Cao Sơn, Ban Quản lý Cửa khẩu quốc tế Bờ Y