de-cong-nghiep-phat-trien-manh-hon-nua

Để công nghiệp phát triển mạnh hơn nữa

Để công nghiệp phát triển mạnh hơn nữa

Article

Thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, trong những năm qua, tỉnh ta có nhiều chủ trương, chính sách thu hút đầu tư và hình thành các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh. Các KKT, KCN, CCN được hình thành và đi vào hoạt động, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, so với một số tỉnh thành, các KKT, KCN, CCN ở tỉnh ta chưa khai thác hết tiềm năng, chưa trở thành động lực mạnh mẽ của sự phát triển và đang cần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc.

Thấy gì từ KKT, KCN, CCN

Qua quá trình thực hiện chủ trương phát triển công nghiệp, đến nay, tỉnh ta hình thành KKT cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, KCN Hòa Bình, KCN Sao Mai và 5 CCN nghiệp đang hoạt động ở các địa phương. Kể từ khi các KKT, KCN, CCN được hình thành theo quy hoạch, các cấp, ngành đã đầu tư xây dựng 44 công trình, dự án với tổng nguồn vốn 2.032,68 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Trong đó, KKT cửa khẩu Quốc tế Bờ Y đầu tư 26 công trình, dự án với kinh phí 1.547,472 tỷ đồng; các KCN Hòa Bình, KCN Sao Mai đầu tư 3 công trình, dự án với kinh phí 362,291 tỷ đồng; 9 CCN đầu tư 15 công trình, dự án với kinh phí 122,92 tỷ đồng.

Theo đánh giá, tỉnh ta có tiềm năng trong thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào các KKT, KCN, CCN, nhất là KKT cửa khẩu Quốc tế Bờ Y có vị trí thuận lợi vì nằm trên hành lang kinh tế Đông-Tây, điểm trung chuyển quan trọng ở khu vực ngã ba Đông Dương, thuận lợi trong giao thương phát triển với các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước và các nước trong khu vực Đông Nam Á, ASEAN. Trong việc đầu tư vào các KKT, KCN, CCN, các nhà đầu tư có thể đầu tư các nhà máy chế biến các sản phẩm từ  nông - lâm nghiệp như cà phê, cao su, cây ăn trái, cây lấy hạt (mắc ca), cây dược liệu, gỗ rừng trồng có giá trị kinh tế cao.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang kiểm tra tình hình hoạt động của Cụm Công nghiệp Đăk La.

Thấy được tiềm năng, thế mạnh và bằng những chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh và các địa phương, đến nay, tại KKT cửa khẩu Quốc tế Bờ Y và các KCN thu hút 104 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 2.739, 40 tỷ đồng, số vốn đã thực hiện là 1.453,21 tỷ đồng; tại các CCN cũng thu hút 43 dự án của các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, trong đó có 28 dự án đang hoạt động. 

Đa số các doanh nghiệp hoạt động tại các KKT, KCN, CCN trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Qua hoạt động, hằng năm, các doanh nghiệp tại các KKT, KCN nộp ngân sách nhà nước khoảng 76,5 tỷ đồng; các doanh nghiệp tại CCN nộp ngân khoảng 2,9 tỷ đồng. Tại các KKT, KCN giải quyết việc làm cho hơn 1.800 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 6,5 triệu đồng/lao động/tháng; tại các CCN giải quyết việc làm cho hơn 2.160 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/lao động/tháng.

Tuy nhiên, so với tiềm năng và nguồn vốn nhà nước bỏ ra đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các doanh nghiệp đầu tư tại các KKT, KCN, CCN và đóng góp cho ngân sách còn thấp. Theo Đoàn giám sát công tác quy hoạch, đầu tư và hiệu quả hoạt động của KKT, KCN, CCN trên địa bàn tỉnh (gọi tắt Đoàn giám sát), có 6 CCN được thành lập nhưng chưa đi vào hoạt động; việc đề xuất Trung ương điều chỉnh giảm quy mô KKT cửa khẩu Quốc tế Bờ Y từ 70.438ha xuống còn 16.000 ha kéo dài từ năm 2014 đến nay chưa hoàn thành, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư vào KKT; khu công nghiệp sản xuất, chế biến dược liệu tập trung chậm được bổ sung quy hoạch mặc dù có thống nhất về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2018; quỹ đất 100 ha tại KCN Đăk Tô chưa thể thu hút đầu tư gây lãng phí nguồn lực về đất đai.

Nguyên nhân, công tác tham mưu UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về phát triển KKT, KCN, CCN của các cơ quan chuyên môn, các địa phương còn hạn chế; các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong KKT, KCN, CCN trên địa bàn tỉnh chủ yếu vừa và nhỏ, tiềm lực hạn chế; nguồn thu từ hạ tầng, thuê đất, nộp thuế vào ngân sách nhà nước để tái đầu tư chưa nhiều, trong khi đó ngân sách tỉnh, huyện chưa đáp ứng được yêu cầu bố trí vốn đầu tư hạ tầng, duy tu bảo dưỡng; quy hoạch các KKT, KCN, CCN hiện nay đã được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, do đó việc điều chỉnh quy hoạch KKT chưa thực hiện được.

Tháo gỡ khó khăn

Trước những yêu cầu đặt ra, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các cơ quan liên quan, các địa phương thường xuyên thực hiện đầy đủ, chấp hành đúng quy định của Chính phủ về chế độ thông tin, báo cáo tình hình, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong các KKT, KCN, CCN; chỉ đạo các cơ quan có liên quan chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để ngay sau khi Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 được phê duyệt có thể thực hiện ngay các quy trình, thủ tục trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm diện tích KKT cửa khẩu Quốc tế Bờ Y; đẩy nhanh tiến độ đề xuất Trung ương bổ sung quy hoạch, tiến hành các thủ tục cần thiết để thành lập, phát triển KCN dược liệu tại Đăk Tô.

Khu Công nghiệp Hòa Bình

Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát, hướng dẫn các địa phương việc thực hiện các chương trình, chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong CCN; tăng cường các hoạt động gặp gỡ, đối thoại với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động trong các KKT, KCN, CCN để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn (nếu có) và đồng hành, hỗ trợ tối đa để các cơ sở sản xuất này kinh doanh đạt hiệu quả.

Đoàn giám sát cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố có các CCN đang hoạt động xây dựng kế hoạch kiểm tra, rà soát, xác định lộ trình, giải pháp cụ thể, căn cơ để thu hồi đối với các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích thuê, giao cho tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu; từng bước xử lý tình trạng người dân sinh sống trong các CCN theo đúng quy định, đảm bảo không làm xáo trộn tình hình xã hội; thực hiện nghiêm việc chấp hành quy định của pháp luật về thuế, tiền thuê đất, xử lý triệt để đối với các trường hợp nợ đọng kéo dài.

Về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, cần xác định giải pháp hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng tại các KCN, CCN, nghiên cứu rà soát quỹ đất đổi cho các hộ dân bị ảnh hưởng để giảm chi phí bồi thường, thu hút, vận động sự tham gia của doanh nghiệp đăng ký đầu tư trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng...

Tháo gỡ những hạn chế, bất cập và khơi thông các nguồn lực, các KKT, KKT, CCN trên địa bàn tỉnh sẽ có điều kiện phát triển mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững.

Theo https://www.baokontum.com.vn/kinh-te/de-cong-nghiep-phat-trien-manh-hon-nua-35597.html

Ban biên tập trang thông tin điện tử 

Các tin cùng chủ đề 10
Top page Desktop