Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức năm 2023
Ngày 17/02/2023, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch số 23/KH-BQLKKT về chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức năm 2023. Cụ thể như sau:
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13/11/2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ công chức và Luật viên chức ngày 25/11/2019; Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 20/11/2018; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 20/11/2018;
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh (BQLKKT tỉnh) xây dựng Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức năm 2023 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Chuyển đổi vị trí công tác nhằm rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng, giúp cán bộ, công chức có kiến thức toàn diện đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ trước mắt và lâu dài của cơ quan.
- Khắc phục tâm lý chủ quan, thỏa mãn, trì trệ khi công tác ở một vị trí, một địa bàn góp phần tạo điều kiện cho đội ngũ công chức phát huy năng lực, sở trường trong hoạt động.
- Thực hiện các quy định về phòng ngừa tham nhũng.
2. Yêu cầu
- Đảm bảo việc bố trí cán bộ khách quan, công khai, dân chủ, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và vị trí việc làm, phù hợp với trình độ, năng lực và phẩm chất của mỗi công chức, cân đối về chuyên môn, độ tuổi, giới tính … giữa các phòng, đơn vị nhằm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị; thực hiện đúng nguyên tắc hoán vị, không ảnh hưởng đến tăng, giảm biên chế đã giao.
- Phải được tiến hành theo kế hoạch, công bố công khai trong nội bộ cơ quan, đơn vị và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
- Việc luân chuyển công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thực hiện theo quy định về luân chuyển cán bộ.
II. NỘI DUNG
1. Đối tượng áp dụng: Công chức đang công tác tại Văn phòng, các phòng chuyên môn trực thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh
2. Những trường hợp chưa thực hiện luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác
- Công chức đang trong thời gian bị xem xét, xử lý kỷ luật; đang trong thời gian bị khởi tố, điều tra hoặc có liên quan đến công việc đang bị thanh tra, kiểm tra.
- Công chức đang điều trị bệnh hiểm nghèo theo quy định của Bộ Y tế, đi học dài hạn hoặc được cử đi biệt phái.
- Công chức nữ đang trong thời gian mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Trường hợp phải nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi (do vợ mất hoặc trường hợp khách quan khác) thì công chức nam cũng được áp dụng như công chức nữ.
3. Trường hợp đặc biệt trong chuyển đổi vị trí công tác
- Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ có một vị trí trong danh mục định kỳ chuyển đổi mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác với các vị trí còn lại của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó thì việc chuyển đổi do người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp lập kế hoạch chuyển đổi chung.
- Không thực hiện luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác theo định kỳ đối với công chức có thời gian công tác còn lại dưới 18 tháng trước khi đủ tuổi nghỉ hưu.
- Việc luân chuyển đối với phụ trách kế toán được thực hiện theo Luật kế toán và Thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ.
4. Thời hạn định kỳ chuyển đổi công tác: Từ đủ 02 năm đến 05 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.
5. Phương thức thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện theo điều 37 của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ
- Đối với trường hợp chuyển đổi vị trí công tác cùng chuyên môn, nghiệp vụ từ bộ phận này sang bộ phận khác trong cùng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi quản lý thì phải ra quyết định điều động và thông báo công khai bằng văn bản cho cán bộ, công chức thuộc đối tượng chuyển đổi biết trước 30 ngày khi bắt đầu chuyển đổi vị trí công tác.
- Đối với trường hợp chuyển đổi vị trí công tác giữa các lĩnh vực được phân công theo dõi, phụ trách, quản lý (trong cùng bộ phận) thì người đứng đầu đơn vị trực tiếp sử dụng công chức có văn bản phân công theo dõi, phụ trách quản lý lĩnh vực cho công chức, viên chức và văn bản phân công phải được phê duyệt của lãnh đạo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý công chức.
6. Danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi
Công chức làm việc tại một số vị trí liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác phải được định kỳ luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, cụ thể:
a) Quản lý ngân sách, tài sản trong cơ quan, đơn vị: Phân bổ ngân sách; Kế toán; Mua sắm công.
b) Trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc:
- Tổ chức cán bộ: Thẩm định nhân sự để trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức; Thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt về tổ chức bộ máy, biên chế; thẩm định các đề án thành lập mới, sắp xếp lại các cơ quan, đơn vị; Thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền quyết định các hình thức thi đua, khen thưởng, kỷ luật; Quản lý, thực hiện chế độ tiền lương đối với công chức, viên chức, người lao động.
- Xây dựng: Cấp giấy phép trong lĩnh vực xây dựng; Thẩm định dự án xây dựng; Quản lý quy hoạch xây dựng; Quản lý, giám sát chất lượng các công trình xây dựng; Thẩm định, lập kế hoạch, kiểm soát, giám sát, điều phối, đền bù, giải phóng mặt bằng.
- Tài nguyên và môi trường: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu, sử dụng tài sản gắn liền với đất; Xử lý hồ sơ giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất; Xử lý vi phạm về môi trường.
- Đầu tư: Thẩm định, cấp giấy chứng nhận đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và của Việt Nam ra nước ngoài; Thẩm định dự án; Đấu thầu và quản lý đấu thầu; Lập, phân bổ, quản lý kế hoạch vốn; Quản lý quy hoạch; Quản lý khu công nghiệp; Quản lý doanh nghiệp.
- Lao động: Thẩm định và cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam.
- Thanh tra và phòng, chống tham nhũng: Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
7. Danh sách công chức phải định kỳ chuyển đổi vị trí công tác (có danh sách kèm theo),.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trưởng các phòng chuyên môn trực thuộc
- Tiếp tục tổ chức triển khai phổ biến, quán triệt Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 59/2019/NĐ- CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 20/11/2018 đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị.
- Phối hợp với Văn phòng rà soát danh mục vị trí việc làm đối với công chức, viên chức thuộc diện chuyển đổi vị trí công tác để thực hiện định kỳ luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác theo quy định; gửi báo cáo về Văn phòng theo định kỳ hằng quý, 06 tháng và hằng năm (trước ngày 20 của tháng cuối quý).
2. Trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc
- Căn cứ Kế hoạch này xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị vị trí công tác đối với viên chức của đơn vị để tổ chức triển khai thực hiện.
- Gửi kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện kèm theo danh sách viên chức đã thực hiện chuyển đổi và dự kiến chuyển đổi về Văn phòng theo định kỳ hằng quý, 06 tháng và hằng năm (trước ngày 20 của tháng cuối quý).
3. Văn phòng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh
- Tham mưu thực hiện tốt các nội dung kế hoạch; tham mưu ban hành Quyết định điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức (nếu có) theo quy định.
- Tổng hợp danh sách công chức, viên chức dự kiến chuyển đổi, báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Ban biên tập trang thông tin điện tử