Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2021 trên địa bàn Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, các Khu công nghiệp và Cụm công nghiệp Đăk La
Thực hiện Kế hoạch số 2883/KH-UBND ngày 06/8/2020 của UBND tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2021 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh xây dựng Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2021 trên địa bàn Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, các Khu công nghiệp và Cụm công nghiệp Đăk La (sau đây gọi tắt là Khu kinh tế) như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách Doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; nhằm đẩy mạnh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Khu kinh tế. Tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để khuyến khích các hộ kinh doanh có tiềm năng chuyển đổi thành doanh nghiệp theo quy định; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
2. Yêu cầu
- Ưu tiên hỗ trợ DNNVV hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề có hàm lượng tri thức và giá trị gia tăng cao, phát huy được tiềm năng và lợi thế của tỉnh.
- Lồng ghép chương trình hỗ trợ DNNVV với các kế hoạch, chương trình công tác của Ban quản lý Khu kinh tế nhằm sử dụng hiệu quả kinh phí, tiết kiệm thời gian và đảm bảo tính thiết thực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Khu kinh tế nêu cao tinh thần đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh; ý thức chấp hành quy định của pháp luật trong việc tiếp nhận, phối hợp và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ.
II. NỘI DUNG HỖ TRỢ VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN:
Ban quản lý Khu kinh tế chủ trì hỗ trợ cung cấp, hướng dẫn thông tin và thủ tục đầu tư đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp mới thành lập khi có nhu cầu thuê lại mặt bằng sản xuất tại các khu công nghiệp trên địa bàn; rà soát các diện tích cho thuê còn lại tại các khu công nghiệp trên địa bàn để phổ biến công khai cho các doanh nghiệp biết để tìm kiếm mặt bằng sản xuất; Đầu tư, khai thác hiệu quả các khu công nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt, tạo nguồn cung sẵn có về mặt bằng sản xuất kinh doanh với chi phí hợp lý; khuyến khích, định hướng để doanh nghiệp đầu tư hạ tầng tại khu công nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, cụ thể như sau:
1. Hỗ trợ mặt bằng sản xuất.
- Phòng Quản lý Đầu tư: Tham mưu Ban quản lý Khu kinh tế hỗ trợ cung cấp, hướng dẫn thông tin và thủ tục đầu tư đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp mới thành lập khi có nhu cầu thuê lại mặt bằng sản xuất tại Khu kinh tế, các khu công nghiệp, Cụm công nghiệp trên địa bàn; khuyến khích, định hướng để doanh nghiệp đầu tư hạ tầng tại khu công nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Phòng Quản lý Xây dựng, Tài nguyên, Môi trường: Rà soát các diện tích cho thuê còn lại tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng tại các khu chức năng trên địa bàn Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, các Khu công nghiệp và Cụm công nghiệp Đăk La để các nhà đầu tư, doanh nghiệp biết, tìm kiếm mặt bằng sản xuất kinh doanh.
- Công ty đầu tư phát triển hạ tầng khu kinh tế: Đẩy nhanh các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các Khu công nghiệp Cụm công nghiệp Đăk La, khai thác hiệu quả các Khu công nghiệp đã được đầu tư xây dựng hạ tầng, tạo nguồn cung cấp về mặt bằng sản xuất kinh doanh với chi phí hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp NVV hoạt động sản xuất, kinh doanh,
2. Hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý.
- Văn phòng Ban quản lý Khu kinh tế: Tham mưu công bố trên trang thông tin điện tử của Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh về các thủ tục hành chính, quy hoạch các khu chức năng, quỹ đất sách trên địa bàn Khu kinh tế, các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư, cơ chế chính sách, ưu đãi đầu tư, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, quy trình thủ tục đầu tư vào Khu kinh tế để các doanh nghiệp tiếp cận, nắm bắt thông tin kịp thời.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ sử dụng dịch vụ tư vấn cho DNNVV trong Khu kinh tế.
3. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các DNNVV.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư về đào tạo về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp cho các DNNVV trong Khu kinh tế theo quy định.
- Phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về đào tạo nghề cho lao động làm việc trong các DNNVV trong Khu kinh tế.
4. Hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
- Phòng Quản lý Đầu tư: Tham mưu hướng dẫn các DNNVV trên địa bàn Khu kinh tế tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến để được hưởng các hỗ trợ trong hoạt động sản xuất theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với Sở Công Thương xác định danh sách các doanh nghiệp trong Khu kinh tế tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến đáp ứng đủ điều kiện để được hưởng các hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các phòng, đơn vị trực thuộc: Có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nội dung trong kế hoạch. Phối hợp với Phòng Quản lý đầu tư tham mưu, cung cấp thông tin, tổng hợp báo cáo theo quy định.
2. Giao Phòng Quản lý Đầu tư chịu trách nhiệm theo dõi tình hình thực hiện kế hoạch; tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai thực hiện trước ngày 15 tháng 12 năm 2021 gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
BBT trang thông tin điện tử