Kế hoạch Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, các Khu công nghiệp tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025
Ngày 21/6/2021 Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum ban hành kế hoạch số 50/KH-BQLKKT về Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, các Khu công nghiệp tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025, cụ thể như sau:
1. Hỗ trợ mặt bằng sản xuất.
- Hỗ trợ cung cấp, hướng dẫn thông tin và thủ tục đầu tư đối với DNNVV, doanh nghiệp mới thành lập khi có nhu cầu thuê lại mặt bằng sản xuất tại Khu kinh tế, các khu công nghiệp trên địa bàn; khuyến khích, định hướng để doanh nghiệp đầu tư hạ tầng tại khu công nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Rà soát các diện tích cho thuê còn lại tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng tại các khu chức năng trên địa bàn Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, các Khu công nghiệp và Cụm công nghiệp Đăk La để các nhà đầu tư, doanh nghiệp biết, tìm kiếm mặt bằng sản xuất kinh doanh.
- Đẩy nhanh các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các Khu công nghiệp, khai thác hiệu quả các Khu công nghiệp đã được đầu tư xây dựng hạ tầng, tạo nguồn cung cấp về mặt bằng sản xuất kinh doanh với chi phí hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho DN NVV hoạt động sản xuất, kinh doanh.
2. Hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý.
+ Tham mưu công bố trên trang thông tin điện tử của Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh về các thủ tục hành chính, quy hoạch các khu chức năng, quỹ đất sạch trên địa bàn Khu kinh tế, các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư, cơ chế chính sách, ưu đãi đầu tư, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, quy trình thủ tục đầu tư vào Khu kinh tế để các doanh nghiệp tiếp cận, nắm bắt thông tin kịp thời.
+ Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ sử dụng dịch vụ tư vấn cho DNNVV trong Khu kinh tế.
3. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các DNNVV.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư về đào tạo về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp cho các DNNVV trong Khu kinh tế tỉnh theo quy định.
- Phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về đào tạo nghề cho lao động làm việc trong các DNNVV trong Khu kinh tế; Hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động làm việc trong doanh nghiệp.
4. Hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
- Tham mưu hướng dẫn các DNNVV trên địa bàn Khu kinh tế tỉnh tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến để được hưởng các hỗ trợ trong hoạt động sản xuất theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với Sở Công Thương xác định danh sách các doanh nghiệp trong Khu kinh tế tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến đáp ứng đủ điều kiện để được hưởng các hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
5. Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh
- Thực hiện rà soát, cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, tài nguyên môi trường, lao động việc làm thuộc thẩm quyền theo hướng đơn giản, giảm bớt thời gian và các thủ tục không cần thiết, từng bước đem lại sự thuận tiện cho doanh nghiệp.
- Nâng cao trình độ, năng lực công tác, đạo đức công vụ của đội ngũ công chức, viên chức làm công tác hỗ trợ, giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, nghiêm cấm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
- Triển khai hiệu quả chỉ đạo của Tỉnh ủy “về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; đồng thời, cải thiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương (DDCI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trong đó tập trung các chỉ số: Tính minh bạch; Chi phí thời gian; Tính năng động; Chỉ số thiết chế pháp lý và an toàn trật tự; Chi phí không chính thức.
BBT trang thông tin điện tử