khu-kinh-te-cua-khau-quoc-te-bo-y-thuc-day-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-cua-tinh

Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Article

Nằm gần vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nơi có nhiều khu kinh tế ven biển, trên ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, có đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24 đi qua nối với các cảng biển lớn ở miền Trung như: Đà Nẵng, Quy Nhơn, Dung Quất, Khu Kinh tế Cửa khẩu (KKTCK) Quốc tế Bờ Y có nhiều cơ hội trong giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa với các địa phương trong nước và trong khu vực tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 1999 có diện tích 70.438 ha, bao gồm các xã: Sa Loong, Bờ Y, Đăk Sú, Đăk Nông, Đăk Dục và Thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi (có chung đường biên giới với nước bạn Lào 30 km và Campuchia 25 km).

Với vị trí chiến lược quan trọng,  năm 2012, Chính phủ đã có Nghị quyết  xác định cặp cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) - Phu Cưa (Lào) là một trong 3 cặp cửa khẩu tiếp tục xây dựng đề án phát triển lớn hơn trong thời gian tới theo các Hiệp định đã thoả thuận giữa Chính phủ 2 nước Việt Nam - Lào. Đồng thời, Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y cũng được chọn là 1 trong 8 Khu Kinh tế Cửa khẩu tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2012-2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Từ khi thành lập đến nay, vốn ngân sách Trung ương bố trí cho Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y là 1.636,591 tỷ đồng, chủ yếu được tập trung cho đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu như: Giao thông, điện, nước và khu kiểm soát cửa khẩu; trong đó, bố trí giai đoạn từ năm 2010 trở về trước 482,012 tỷ đồng; giai đoạn 2011-2015 là 1.070,188 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020 là 84,391 tỷ đồng. Ngân sách địa phương phân bổ cho Khu Kinh tế Cửa khẩu trong kế hoạch trung hạn 2016-2020 tính đến hết kế hoạch năm 2018 gần 8,1 tỷ đồng.

Một số công trình quan trọng đang được triển khai như Công trình Quốc Môn Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y thực hiện từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ hợp tác với Lào và Campuchia, dự kiến hoàn thành trong năm nay.

Giai đoạn từ năm 2015 đến 2018, tại Khu Kinh tế Cửa khẩu có 27 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong nước đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và đã triển khai thực hiện với tổng số vốn đăng ký là 872,32 tỷ đồng.

Trong Quý I/2019, Khu Kinh tế Cửa khẩu có 01 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong nước đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và đã triển khai thực hiện với tổng số vốn đăng ký 04 tỷ đồng, số vốn thực hiện 02 tỷ đồng. Lũy kế đến nay tại Khu Kinh tế Cửa khẩu có 62 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 1.491 tỷ đồng, số vốn thực hiện 478,1 tỷ đồng.

Các dự án đầu tư tại Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y đa số là những dự án có quy mô vốn đầu tư nhỏ, chủ yếu là các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thương mại, dịch vụ nhỏ lẻ, khai thác chế biến vật liệu xây dựng thông thường (cát, đá xây dựng...); chưa thu hút được các dự án lớn, có công nghệ chế tạo, công nghệ cao theo quy hoạch, đặc biệt là chưa thu hút được dự án đầu tư nước ngoài.

Doanh thu của hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Khu Kinh tế Cửa khẩu giai đoạn 2016 - 2018 đạt 1.693,004 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2016 - 2018, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y đạt 564,2 triệu USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 141,4 triệu USD, giá trị nhập khẩu đạt 422,8 triệu USD, nộp ngân sách nhà nước 596,3 tỷ đồng; hiện có gần 1.300 lao động làm việc trong Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y.

Đến nay, Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y đã và đang trở thành yếu tố quan trọng góp phần xây dựng phát triển vùng kinh tế động lực huyện Ngọc Hồi nói riêng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum nói chung; một số công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu của Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y bước đầu được nhà nước quan tâm đầu tư, đặc biệt là khi quốc lộ 18B của nước bạn Lào và cặp cửa khẩu quốc tế Bờ Y - Phu Cưa đưa vào khai thác sử dụng đã góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng kinh tế động huyện Ngọc Hồi theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ; làm thay đổi diện mạo một vùng kinh tế, đời sống của nhân dân./.

Theo kontum.gov.vn

Từ khóa:

Các tin cùng chủ đề 10
Top page Desktop