Kon Tum- Hành trình 110 năm - Bài 2: Đăk Bla- Dòng sông biểu tượng
Trong lịch sử hình thành và phát triển của Kon Tum nói chung, thành phố Kon Tum nói riêng luôn có hình bóng của một dòng sông. Đó là Đăk Bla. Cho đến nay, đó đã là biểu tượng không thể thay thế.
Trong huyền sử về sự hình thành của tên gọi “Kon Tum”, anh em nhà Jơ Rông và Jơ Uông lập làng bên hồ nước, cạnh một dòng sông. Đó hẳn là sông Đăk Bla bây giờ.
Họ đã dựng những ngôi nhà, khai phá những đám ruộng đầu tiên, sinh con đẻ cháu, đời tiếp đời. Đất lành chim đậu, người từ các làng khác tìm đến sinh sống ngày càng nhiều; làng nhỏ ngày càng sung túc, trù phú.
Trải qua nhiều thế hệ, đồng bào các dân tộc anh em đã chung tay bồi đắp nền văn hóa và hình thành nên những ngôi làng quanh dòng chảy đỏ phù sa này, và mở rộng dần theo lưu vực sông.
Theo ông A Jar, một người am hiểu văn hóa dân tộc Ba Na, suốt nhiều đời, cư dân các làng DTTS nằm ven sông có tín ngưỡng cầu xin dòng sông điều họ cần. Dòng sông được nhân cách hóa, hay đúng hơn là “thần hóa”, được cư dân tôn kính, được cúng lễ, được cầu giúp cho mùa màng bội thu, tôm cá dồi dào.
Về mặt địa lý, sông Đăk Bla là hợp lưu của ba con sông Đăk Akôi, Đăk S’nghé và Đăk Pne. Như bao dòng sông khác, Đăk Bla khởi nguồn từ Đông Bắc Trường Sơn hùng vĩ, nhưng sau đó là một hành trình… trúc trắc.
Trên đường đi, Đăk Bla tiếp nhận các dòng suối Đăk Nghé, Đăk Sut, Đăk Kôi, Đăk T’re và vô vàn dòng chảy nhỏ. Ngang qua huyện Kon Rẫy, dòng sông lại bẻ theo hướng Bắc – Nam, rồi từ phía Nam, Đăk Bla uốn lượn, lặng lẽ ôm trọn lấy thành phố Kon Tum vào lòng.
Nhưng bất ngờ thay, tại đây, sông lại vòng chảy về hướng Tây. Chính vì điểm khác biệt này mà Đăk Bla còn được biết đến với cái tên “dòng sông chảy ngược”.
Có hẳn một truyền thuyết về sự “chảy ngược” ấy. Chuyện rằng, thuở xa xưa, ngôi làng phía thượng nguồn và làng phía hạ nguồn có mối thù không đội trời chung.
Oái oăm thay, chàng trai làng trên và cô gái làng dưới lại yêu nhau thắm thiết. Họ quyết định lấy cái chết để có thể được ở bên nhau mãi mãi, để có thể xoá bỏ hận thù giữa hai làng.
Dòng máu của chàng trai trôi xuôi về Đông, dòng máu cô gái thì chảy ngược về Tây. Khi gặp nhau, máu chàng trai hòa vào máu cô gái, tiếp tục trôi ngược, cuốn luôn cả dòng sông trở dòng trôi theo. Đúng như ý nguyện của họ, hai làng đã gạt bỏ hận thù, kết nghĩa anh em, sống hòa hiếu yên lành.
Cũng từ ấy, dòng sông cứ chảy ngược về Tây, nhập chung với Krông Pô Kô thành sông Sê San, chảy sang đất bạn Campuchia, rồi hòa với sông Mê Kông hùng vĩ, quay về đất mẹ để tuôn ra biển.
Tại nơi hợp lưu của hai dòng Đăk Bla và Pô Kô thành dòng Sê San đã phát lộ di chỉ khảo cổ học đặc biệt quan trọng- di chỉ Lung Leng, từ đó vén bức màn bí mật về xã hội tiền sử của Kon Tum.
Trong báo cáo kết quả khai quật di chỉ Lung Leng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử đã nhấn mạnh “Với phát hiện này, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi một cách nhìn về một Tây Nguyên thời quá khứ. Đây là vùng đất sớm có sự khai phá của con người và tiến trình phát triển văn hóa đầy năng động, sáng tạo, có mối giao lưu rộng mở”.
Trải qua những thăng trầm lịch sử, với vẻ duyên dáng của mình, dòng Đăk Bla trở thành cảm hứng vô tận cho giới văn nghệ sĩ.
Vào khoảng năm 1980, trong một lần đến Kon Tum, nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã có những câu thơ rất hay: Sông Đăk Bla như một tiếng tù và/ Thổi qua lòng xanh thị xã/Một thoáng đồng bằng qua phố xá/Kon Tum, vầng trăng đầu tháng mọc bên em.
Trong nhạc phẩm Tình ca trên sông Đăk Bla của nhạc sĩ Nguyễn Cường thì dòng sông hiện lên hết sức diễm tình: Dòng Đakbla Đakbla/Vẫn ôm ghì thị xã/Như núi ôm mây/Như mây ôm núi/Như vòng tay của anh/Dịu êm, dịu êm...
Với góc nhìn của một kiến trúc sư, ông Đỗ Hoàng Liên Sơn- nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kon Tum nhấn mạnh rằng, rất ít con sông có tác động mạnh mẽ đến sự hình thành và phát triển của đô thị như Đăk Bla.
Bởi theo ông, dòng Đăk Bla là khởi nguồn, là nguồn mạch phát triển và cũng là một phần thương hiệu của đô thị. Vì vậy nó luôn đi cùng với tên tuổi của Kon Tum nói chung, thành phố Kon Tum nói riêng.
Ông Đỗ Hoàng Liên Sơn cũng từng bày tỏ trăn trở về việc quy hoạch, khai thác hiệu quả không gian công cộng đôi bờ sông Đăk Bla.
Nếu được quy hoạch, thiết kế tốt, những không gian này sẽ nhấn mạnh sự hiện diện của sông Đăk Bla, đem đến thay đổi tích cực cho cảnh quan thành phố. Đi kèm theo đó là sự gia tăng giá trị các khu vực xung quanh, mang lại nguồn lợi kinh tế không hề nhỏ.
Cho đến nay, sự cần thiết trong việc nâng cao chất lượng không gian công cộng đôi bờ sông Đăk Bla là rất rõ ràng. Điều đáng mừng là những năm gần đây, tỉnh đã và đang hình thành chiến lược phát triển và khung thiết kế đô thị cụ thể theo trục sông Đăk Bla.
Trong đó có quy hoạch, đầu tư các khu đô thị, khu nghỉ dưỡng ven sông; những cây cầu mới bề thế, hiện đại và đẹp qua dòng Đăk Bla cũng được xây dựng, tạo điểm nhấn, tôn lên vẻ đẹp vốn có của dòng sông.
Phố đi bộ bên sông cũng đang được triển khai, nhằm thúc đẩy kinh tế ban đêm, dần hình thành các điểm đến phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của cư dân và du khách.
Tôi luôn mong muốn lãnh đạo tỉnh, thành phố, các chuyên gia, nhà nghiên cứu thực hiện những chuyến khảo sát kỹ lưỡng hơn trên sông Đăk Bla, nhất là đoạn qua thành phố Kon Tum. Từ đó có nhiều hơn các ý tưởng, giải pháp để phát huy nguồn lực từ dòng sông.
Chỉ còn ít ngày nữa là đến kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh, tôi và bạn bè ngồi uống cà phê bên cạnh dòng Đăk Bla “chảy xuyên qua” thành phố, nghe gió sông vi vu thổi và lắng nghe sông kể lại lịch sử của vùng đất, của con người Kon Tum.
Mai này viết tiếp lịch sử vùng đất này, chắc chắn đó vẫn là những câu chuyện thời cuộc dọc đôi bờ sông, của một Kon Tum đã trải qua hơn thế kỷ tồn sinh, một Kon Tum đầy khát vọng vươn lên.
Mềm mại như sông và cũng mạnh mẽ như sông!
Theo https://www.baokontum.com.vn/xa-hoi/kon-tum-hanh-trinh-110-nam-bai-2-dak-bla-dong-song-bieu-tuong-28121.html
Ban biên tập trang thông tin điện tử