Kon Tum- Hành trình 110 năm - Bài 3: Ánh sáng niềm tin
Chỉ 17 năm sau khi Toàn quyền Đông Dương ký nghị định thành lập tỉnh (9/2/1913), và mấy tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (3/2/1930), trên đất Kon Tum đã có chi bộ đảng cộng sản, đem ánh sáng mùa Xuân của Đảng chiếu sáng núi rừng Kon Tum.
Như nhiều, rất nhiều người dân Kon Tum và du khách thập phương, trong dịp kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh, tôi chọn đi viếng Ngục Kon Tum để bắt đầu hành trình.
Đi trên con đường trải nhựa rộng rãi bên sông, ngắm cây cầu mới bề thế trang trí cách điệu cồng chiêng, tôi chợt nghĩ về cung đường 14 xưa, nơi từng thấm máu bao tù chính trị và chiến sĩ cộng sản kiên trung.
Cũng xin được thêm đôi dòng về Quốc lộ 14, đoạn qua tỉnh Kon Tum- cung đường của máu và hoa, được đắp những chặng đầu tiên bằng mồ hôi và xương máu của những người tù chính trị.
Ngày nay, mạng lưới giao thông của tỉnh Kon Tum đã phát triển rộng khắp, với nhiều tuyến đường mới nối Kon Tum với biển, vươn rộng sang Lào, Campuchia và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan.
Nhưng trước đó, cần biết rằng, Quốc lộ 14 từng là “cánh cửa” duy nhất nối Kon Tum với “bên ngoài”, là mạch máu lớn đem lại sức sống cho Kon Tum trước đây và cả ngày nay.
Theo sử liệu, cuối năm 1930, đường 14 Bắc Kon Tum bắt đầu được xây dựng. Lực lượng nhân công chính được thực dân Pháp sử dụng để làm đường 14 chủ yếu là người địa phương và tù chính trị ở Ngục Kon Tum.
Biết bao người đã ngã xuống trên từng mét đường này. Theo "Ngục Kon Tum" của cụ Lê Văn Hiến, trong số 295 người đi làm đường 14 đợt một thì đã 215 người đã chết.
Theo một tài liệu khác của ngành Giao thông Vận tải, xuyên suốt cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nhất là thời kháng chiến chống Mỹ, bộ đội ta và nhiều quân trang, lương thực của hậu phương miền Bắc đã được vận chuyển vào chiến trường miền Nam bằng trục đường 14, góp phần to lớn vào đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Đến nay, đường 14- đường Hồ Chí Minh vẫn là một tuyến giao thông huyết mạch nối Tây Nguyên với hai vùng Nam-Bắc.
Nên có thể khẳng định rằng, trong lịch sử phát triển của Kon Tum không thể không kể đến vai trò của Quốc lộ 14.
Viếng Ngục Kon Tum, dù chỉ kịp thắp nén tâm nhang dâng lên anh linh các bậc tiền bối cách mạng rồi vội vã đi, thì tôi vẫn thấy như mình đang được nghe một bản trường ca hùng tráng.
Ngục Kon Tum không chỉ là nơi kẻ thù giam cầm, đày ải những chiến sĩ cách mạng kiên trung, là "địa ngục trần gian", mà còn là mảnh đất ươm mầm xuân lịch sử cho quê hương Kon Tum.
Từng tấc đất không chỉ lưu giữ xương máu của các bậc tiền bối cách mạng mà còn là biểu tượng cho ý chí bất khuất của người cộng sản; là nơi gieo hạt giống đỏ nảy mầm xuân, đem ánh sáng niềm tin của Đảng chiếu sáng núi rừng Kon Tum.
Nơi đây, ngày 25/9/1930, tức chỉ mấy tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên tại vùng đất Bắc Tây Nguyên- Chi bộ Binh- được thành lập với 4 đảng viên.
Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian chưa đến một năm, nhưng Chi bộ Binh là "hạt giống đỏ nảy mầm xuân lịch sử" ở Bắc Tây Nguyên.
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Kon Tum tập I (1930-1975) đánh giá, sự ra đời của chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ngay trong năm 1930 đánh dấu thời khắc “hạt giống” tư tưởng cách mạng của Đảng được “gieo trồng” trên Kon Tum, đặt nền móng cho sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Kon Tum sau này.
Với ý nghĩa đặc biệt ấy năm 2006, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIII đã thống nhất lấy ngày 25/9/1930 là Ngày truyền thống của Đảng bộ tỉnh.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã anh dũng chiến đấu và chiến thắng giặc ngoại xâm. Đó là cuộc tổng khởi nghĩa giành lại chính quyền vào tháng Tám năm 1945; là 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ; là cuộc chiến với tàn quân tổ chức phản động FULRO.
Cũng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân các dân tộc Kon Tum đã đoàn kết, bền gan vững chí chiến đấu và chiến thắng “giặc nội xâm” là giặc dốt, giặc đói, giặc tham nhũng.
Ở từng chặng đường cách mạng, Đảng bộ tỉnh luôn là nơi tập trung tinh hoa, trí tuệ, nhiệt huyết của toàn dân để hoạch định, để mở lối cho một chặng đường phát triển mới, cao hơn, bền vững hơn.
Trải qua 16 kỳ đại hội, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Kon Tum đã đoàn kết, nhất trí, chung sức chung lòng xây dựng quê hương Kon Tum ngày càng giàu đẹp.
Đặc biệt, Nghị quyết các kỳ Đại hội X, XI, XII, XIII, XIV, XV, XVI của Đảng bộ tỉnh đã cụ thể hóa một cách sát hợp chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng vào tình hình cụ thể của địa phương và đạt đựợc những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng.
Đồng chí Y Vêng- nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh rằng, trong hành trình vươn lên ấy, Đảng bộ tỉnh Kon Tum chính là sợi chỉ đỏ, là hạt nhân chính trị và cội nguồn sức mạnh.
Chúng ta đã dày công xây dựng, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ. Điều này được thể hiện ở sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng, giữa Đảng với chính quyền, giữa Đảng với Mặt trận, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân.
Đây chính là nền tảng sức mạnh để Đảng bộ tỉnh, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cùng nhân dân cả nước thực hiện mục tiêu "dân giàu; nước mạnh; xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Hôm nay, ngồi viết những dòng này, tôi lại nghĩ về xương máu và trí tuệ của hành trình đã qua, và cả những tinh anh, nhiệt huyết trong quá trình vươn lên của một vùng đất.
Những chiến công hiển hách, cũng như những bài học kinh nghiệm quý báu mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh có được từ trong đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước là hành trang vô giá cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà bước tiếp trên chặng đường mới.
Càng vững tin đi dưới ánh sáng soi đường của Đảng và Bác!
Theo https://www.baokontum.com.vn/xa-hoi/kon-tum-hanh-trinh-110-nam-bai-3-anh-sang-niem-tin-28141.html
Ban biên tập trang thông tin điện tử