Năm 2019: Tập trung vào 3 lĩnh vực đột phá trong phát triển KT-XH
“Phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) trong tỉnh đạt 9,3%. Cơ cấu kinh tế: Nông - lâm - thuỷ sản 25-26%; Công nghiệp - Xây dựng 26-27%; Thương mại - Dịch vụ 39-40%. Thu nhập bình quân đầu người trên 40 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn khoảng 2.466,7 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2019 giảm từ 3-4% so với cuối năm 2018…” – là những mục tiêu cơ bản được HĐND tỉnh đề ra cho năm 2019. Để đạt được mục tiêu này, 03 lĩnh vực đột phá trong phát triển KT-XH cũng đã được xác định
Theo đó, lĩnh vực đột phá thứ nhất là tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, các khu đô thị mới kết hợp với dịch vụ, nhất là trên địa bàn thành phố Kon Tum. Đẩy mạnh đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp - đô thị - dịch vụ; trong đó chú ý công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu và hệ thống xử lý nước thải trong khu, cụm công nghiệp.
Lĩnh vực đột phát thứ 2 là phát triển nông nghiệp đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; bảo tồn, đầu tư phát triển có hiệu quả những loại cây dược liệu, nhất là dược liệu dưới tán rừng; có chiến lược đầu tư phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum, Đẳng sâm Kon Tum và các sản phẩm đặc hữu khác.
Lĩnh vực đột phát thứ 3 là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hình thành Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh; tăng cường xúc tiến đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp.
Để thực hiện có hiệu quả 3 lĩnh vực trên, HĐND tỉnh xác định trong năm 2019, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Phát triển toàn diện nông nghiệp đi vào chiều sâu, theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh thực hiện kế hoạch dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn” tạo điều kiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc và chất lượng các loại giống cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; chú trọng phát triển nuôi thủy sản ở các mặt nước lớn, các công trình thủy lợi, thủy điện. Thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đạt các chỉ tiêu đã đề ra. Phát triển các vùng trồng dược liệu tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ.
Trước mắt, ưu tiên đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu tập trung đối với 10 loài dược liệu thuộc Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng các chuỗi liên kết từ khâu trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối dược liệu; tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai các dự án trồng, chế biến, kinh doanh các sản phẩm chủ lực của tỉnh, nhất là Sâm Ngọc Linh, Đẳng sâm và các loại dược liệu khác.
Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững gắn với đảm bảo sinh kế của người dân sống gần rừng. Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên cây trồng; phát triển đàn gia súc, gia cầm theo hướng tập trung gắn với bảo vệ môi trường và phòng, chống dịch bệnh. Nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của ngành như: chế biến nông lâm sản, dược liệu, phát triển thủy điện, điện mặt trời, khai thác và chế biến khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng (ưu tiên vật liệu xây dựng không nung). Khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống. Phát triển mạnh thương mại - dịch vụ nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa và dịch vụ của Nhân dân, nhất là vùng nông thôn.
Thực hiện tốt việc cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, đồng thời đẩy mạnh phát triển sản xuất để tạo nguồn thu. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về thuế, hạn chế nợ đọng thuế phát sinh. Tăng tỷ trọng thu nội địa, tăng cường quản lý, khai thác, huy động nguồn lực và sử dụng hiệu quả tài sản công. Huy động tối đa các nguồn lực, đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội.
Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư. Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, các khu đô thị mới kết hợp với dịch vụ, nhất là trên địa bàn thành phố Kon Tum. Đẩy mạnh đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp - đô thị - dịch vụ theo Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ.
Trong đó chú ý công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu và hệ thống xử lý nước thải trong khu, cụm công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trụ sở làm việc tập trung của các cơ quan tỉnh; Khu đô thị mới Nam Đăk Bla; các cầu qua sông Đăk Bla; các dự án kết cấu hạ tầng thiết yếu tại các khu, cụm công nghiệp; đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thành phố Kon Tum; đường giao thông kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 24; các công trình tại trung tâm hành chính huyện Ia H’Drai; khai thác quỹ đất khu vực các tuyến đường mới mở và hai bên bờ sông Đăk Bla...Kiên quyết điều chuyển, rút vốn công trình chậm tiến độ, không sử dụng hết vốn để bố trí cho công trình cần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành trong năm.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, đầu cơ, buôn lậu; Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường…
Tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo chủ trương của Trung ương, các chương trình của Tỉnh ủy, kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII. Đẩy mạnh triển khai thực hiện và tổ chức kiểm tra việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Nghiên cứu, hình thành Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh. Triển khai các biện pháp nhanh chóng cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; duy trì và nâng cao Chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh…
Thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011 - 2020, Đề án Quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ trí thức tỉnh Kon Tum đến năm 2020, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chức danh hiện đang đảm nhiệm nhằm chuẩn hóa nguồn nhân lực trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời gian tới; nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục vùng sâu, vùng xa. Nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; triển khai có kết quả Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Kon Tum giai đoạn 2017-2020.
Tăng cường công tác đối ngoại; đẩy mạnh giao lưu, hợp tác hữu nghị với các tỉnh nước bạn Lào và Campuchia giáp biên với tỉnh Kon Tum; thực hiện có hiệu quả các bản ghi nhớ hợp tác đã ký kết với các địa phương của Hàn Quốc và mở rộng hợp quan hệ tác với một số tỉnh của Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc...
Năm 2018, trong điều kiện khó khăn chung của cả nước và của tỉnh, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và toàn dân, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh năm 2018 đạt được nhiều kết quả: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,28% so với năm trước; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt dự toán; giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá; xuất khẩu tăng cao; các hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra sôi nổi; lĩnh vực giáo dục, y tế tiếp tục có bước phát triển; công tác an sinh xã hội được quan tâm và đạt được nhiều kết quả; cải cách thủ tục hành chính được thực hiện mạnh mẽ; kỷ luật, kỷ cương hành chính được chú trọng; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đối ngoại địa phương ngày càng được mở rộng.
Theo kontum.gov.vn