Những giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Kon Tum
Xác định môi trường đầu tư, kinh doanh được đánh giá tốt phải có chi phí gia nhập thị trường thấp; tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin được công khai đầy đủ; chi phí, thời gian cho việc thanh, kiểm tra và thực hiện các thủ tục hành chính thấp; lãnh đạo tỉnh năng động, sáng tạo… Do đó, trong những năm qua, tỉnh Kon Tum đã nỗ lực trong đơn giản hóa việc thực hiện TTHC; cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp; tăng cường công tác đối thoại, tiếp xúc với doanh nghiệp; đẩy mạnh việc công khai, minh bạch trong cung cấp thông tin cho doanh nghiệp…
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên, tốc độ cải thiện điểm số, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh cònchậm hơn so với các tỉnh, thành trong cả nước nên thứ hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tiếp tục giảm.
Theo kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã công bố, chỉ số PCI của tỉnh Kon Tum năm 2017 giảm 5 bậc so với năm 2016, đứng thứ 61/63 tỉnh, thành cả nước với số điểm là 58,53 (nằm trong nhóm xếp bậc "Tương đối thấp"). So sánh với tỉnh trung vị, năm 2017, tỉnh Kon Tum có 01 chỉ số thành phần có điểm số tốt hơn với điểm trung vị và 09 chỉ số thành phần có điểm số thấp hơn và sát với điểm trung vị.
Trong các chỉ số cấu thành chỉ số PCI của tỉnh Kon Tum năm 2017, có 02/10 chỉ số thành phần tăng bậc so với năm 2016, gồm: tính minh bạch và tiếp cận thông tin (tăng 23 bậc, 33/63 tỉnh, thành); chi phí không chính thức (tăng 8 bậc, 54/63 tỉnh, thành). Có 01/10 chỉ số thành phần không thay đổi thứ bậc so với năm 2016, đó là tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh (tăng 0,75 điểm, duy trì bậc 45/63 tỉnh, thành). Có 07/10 chỉ số thành phần giảm bậc so với năm 2016, bao gồm: Chi phí gia nhập thị trường (giảm 02 bậc, xếp thứ 35/63 tỉnh, thành); Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất (giảm 06 bậc, 34/63 tỉnh, thành); Chi phí thời gian (giảm 07 bậc, 58/63 tỉnh, thành); Cạnh tranh bình đẳng (giảm 14 bậc, xếp thứ 27/63 tỉnh, thành); Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (giảm 08 bậc, xếp thứ 42/63 tỉnh, thành); Đào tạo lao động (giảm 22 bậc, xếp thứ 53/63 tỉnh, thành); Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (giảm 09 bậc, xếp thứ 58/63 tỉnh, thành).
Qua rà soát, vẫn còn nhiều vấn đề đang là tác nhân cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tình trạng nhũng nhiễu làm khó các doanh nghiệp còn xảy ra; việc giải quyết thủ tục hành chính trên thực tế vẫn còn nhiêu khê khiến doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần. Mặt dù, lãnh đạo tỉnh tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, sẵn sàng giải quyết khó khăn, vướng mắc nhưng các cơ quan, địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa coi việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết của ngành, địa phương.Thời gian kiểm tra, thanh tra đã có cải thiện mạnh mẽ nhưng cũng chưa thực sự tạo nên sự thay đổi lớn; thể chế luật pháp, cơ chế chính sách, TTHC, thực thi công vụ... vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc, gây khó khăn, phiền hà, tốn kém thời gian, chi phí cho DN; việc tiếp cận đất đai, mặt bằng đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn; dịch vụ hỗ trợ, đào tạo lao động cho DN chưa đáp ứng được nhu cầu…
Để khắc phục tình trạng trên, tiếp tục nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh,trong năm 2018, tỉnh Kon Tum sẽ thực hiện một số giải pháp nhằm chung tay cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để đáp ứng được những yêu cầu phát triển trong thời gian tới với mục tiêu cải thiện vị trí xếp hạng tăng lên 5 bậc so với năm 2017,như:
Phổ biến rộng rãi địa chỉ tiếp nhận (đường dây nóng, địa chỉ tiếp nhận) các ý kiến phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân đối với những công chức có hành vi nhũng nhiễu nhằm giảm chi phí không chính thức cho DN, nhà đầu tư.
Tiếp tục chỉ đạo rà soát, rút ngắn hơn nữa thời gian giải quyết các thủ tục hành chính về giao đất, cho thuê đất, giới thiệu địa điểm; các thủ tục liên quan đến đầu tư, xây dựng, môi trường.... tăng cường công tác thu hút các DN trong và ngoài nước đến hợp tác trên các lĩnh vực, khu vực có tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại, gặp gỡ DN, nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Kiên quyết kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các Sở, ban ngành và chính quyền địa phương các cấp thiếu tính năng động, tiên phong trong việc giải quyết công việc cũng như những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư.
Căn cứ Kế hoạch thanh tra, kiểm tra các DN trên địa bàn tỉnh do các cơ quan, đơn vị xây dựng hằng năm, Thanh tra tỉnh, sắp xếp các cuộc thanh tra, kiểm tra trùng lắp về đối tượng thành cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành. Đặc biệt cần phối hợp Thanh tra thuế trong quá trình xây dựng Kế hoạch Thanh tra đối với DN hằng năm, hạn chế việc DN phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra trong một năm, tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động sản xuất kinh doanh; giảm chi phí thời gian cho DN; hạn chế tối đa việc phát sinh chi phí không chính thức cho doanh nghiệp trong quá trình thanh, kiểm tra.
Các cơ quan trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh tăng cường vai trò trợ giúp pháp lý cho DN, để DN xem các thiết chế tại địa phương như là công cụ hiệu quả để giải quyết tranh chấp hoặc là nơi mà DN có thể khiếu nại những hành vi nhũng nhiễu của cán bộ công quyền tại địa phương.
Đẩy mạnh triển khai các dịch vụ hỗ trợ DN, nhất là hỗ trợ tìm kiếm thông tin thị trường, tư vấn pháp lý, xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, cần đổi mới phương thức, nội dung đào tạo lao động đảm bảo theo nhu cầu thị trường để tạo thuận lợi về nguồn lực nhân sự cũng như cắt giảm chi phí đào tạo lại lao động của DN. Đồng thời Hiệp hội DN tỉnh cần có sự nghiên cứu, nắm bắt chất lượng của các dịch vụ; kịp thời phản biện, phản ánh để các Sở, ngành điều chỉnh phù hợp; tuyên truyền, định hướng sử dụng cho các DN thành viên.
Các cơ quan ngành tư pháp cần có sự nỗ lực vượt bậc trong duy trì hiệu lực, hiệu quả của hành lang pháp lý cũng như đảm bảo sự công bằng, công khai, minh bạch và đem lại niềm tin cho DN trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, thương mại. Lực lượng công an cần chú tâm hơn trong việc tạo môi trường sản xuất, kinh doanh đảm bảo an ninh, trật tự./.
theo kontum.gov.vn