phat-trien-ha-tang-giao-thong-vuon-xa-lien-ket-vung-quoc-gia-va-quoc-te

Phát triển hạ tầng giao thông: Vươn xa liên kết vùng, quốc gia và quốc tế

Phát triển hạ tầng giao thông: Vươn xa liên kết vùng, quốc gia và quốc tế

Article

Tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hợp lý, liên thông với mạng lưới giao thông vùng, quốc gia và quốc tế, đáp ứng nhu cầu vận tải chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhanh chóng, an toàn - đó là mục tiêu, đích đến trong phát triển hạ tầng giao thông mà Kon Tum đã và đang quyết tâm hiện thực hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế ngày càng phát triển.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, ngành Giao thông vận tải tỉnh đã tranh thủ các nguồn vốn của tỉnh, trung ương, cũng như huy động các nguồn vốn khác đầu tư cho hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện.
Dù chưa được như mong muốn, nhưng với sự cố gắng và năng động, đến nay hạ tầng giao thông của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc. Mạng lưới giao thông được đầu tư phân bổ khá hợp lý từ tuyến quốc lộ, đến tỉnh lộ, huyện lộ... Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 4.100km đường giao thông với gần 50% được bê tông nhựa, bê tông xi măng; 16,5% đường láng nhựa.


Không chỉ từng bước hoàn thiện tuyến đường nội tỉnh, tỉnh đã và đang tranh thủ các nguồn vốn để xây dựng những tuyến đường kết nối vùng miền, quốc gia, quốc tế. Những năm qua, tỉnh đã tranh thủ các nguồn vốn, sự đầu tư từ trung ương tiến hành xây dựng và từng bước hoàn thiện Quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24, 14C, đường Trường Sơn Đông… để tạo liên kết đa vùng, miền.
Chẳng hạn tuyến Quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh đã được xây dựng tương đối hoàn thiện tạo nên tuyến lưu thông huyết mạch nối tỉnh Kon Tum với các tỉnh miền Trung, Bắc, Nam. Giờ đây, từ Kon Tum đi Thành phố Hồ Chí Minh trên tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14 chỉ mất khoảng 10 tiếng; từ Kon Tum đi các tỉnh miền Trung, hay đến trung tâm thành phố Đà Nẵng chỉ mất vài tiếng đồng hồ.
Hoặc trước đây, từ Kon Tum đến Quảng Ngãi chỉ bằng Quốc lộ 24, thì nay còn có thể đến Quảng Ngãi bằng đường Trường Sơn Đông; từ Kon Tum đi Quốc lộ 19 nối với thành phố Quy Nhơn (Bình Định) mở hướng giao lưu về phía đông với các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ…
Đặc biệt, tuyến Quốc lộ 40 nối với Quốc lộ 18B của nước bạn Lào tại Cửa khẩu quốc tế Bờ Y được hoàn thành (theo tiêu chuẩn cấp III miền núi), đã và đang tạo nên tuyến giao thông chất lượng cao xuyên quốc gia nối Kon Tum qua vùng Hạ Lào đến Đông Bắc Thái Lan, mở hướng giao lưu giữa Kon Tum với bạn bè quốc tế.
Với tuyến đường này, tỉnh đang phối hợp với các tỉnh Nam Lào xây dựng giải pháp đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ 2 nước xem xét đầu tư, nâng cấp tuyến Quốc lộ 18B để thúc đẩy kinh tế trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây này. Nếu con đường được nâng cấp, mở rộng thì từ Kon Tum qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y đến với các tỉnh Nam Lào, đến các tỉnh Đông Bắc Thái Lan chỉ trong ngày.
Những tuyến giao thông huyết mạch nói trên được mở rộng sẽ có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn, kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm trong và ngoài nước, tạo tiền đề để tỉnh Kon Tum phát triển kinh tế...
Để hạ tầng giao thông phát triển cùng với nhu cầu phát triển của xã hội, ngày 7/10/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1176/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Kon Tum đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 với mục tiêu: Phát triển giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý của tỉnh là giao điểm quan trọng nối liền các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ Việt Nam với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan trong hành lang kinh tế Đông - Tây.
Đây là cơ sở để đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh một cách đồng bộ, hiện đại và bền vững trên cơ sở phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế của tỉnh.
Ông Huỳnh Tấn Phục - Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Trên cơ sở quy hoạch, thời gian tới, ngành sẽ tham mưu với tỉnh đa dạng hóa việc huy động nguồn lực trong và ngoài nước, từ các thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau như BOT, BT, PPP, ODA; ưu tiên đầu tư một số dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, đặc biệt là các công trình lớn, có sức lan tỏa, tạo ra đột phá lớn và mang tính kết nối; tăng cường huy động nguồn lực đất đai để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thông qua khai thác quỹ đất; cho thuê quyền khai thác và chuyển nhượng có thời hạn kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ...
Cũng theo ông Phục, thời gian tới, ngành Giao thông vận tải sẽ tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hợp lý, liên thông với mạng lưới giao thông vùng, quốc gia và quốc tế. Trong đó, chú trọng ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bờ Y – Ngọc Hồi – Pleiku; đẩy nhanh quá trình đầu tư nâng cấp, mở rộng các quốc lộ qua địa bàn tỉnh như đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24, 14C, 40, 40B theo kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải; đầu tư xây dựng tuyến tránh đường Hồ Chí Minh đoạn qua thành phố Kon Tum và các thị trấn Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Glei... Cùng với đó, tập trung đưa hệ thống đường tỉnh vào cấp kỹ thuật, nâng cấp tất cả các tuyến đường đạt tối thiểu cấp IV miền núi; nâng cấp một số tuyến đường lên đường tỉnh, xây dựng mới một số tuyến đường tỉnh có tính chất đặc biệt quan trọng, có tính kết nối và có nhu cầu vận tải cao... phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý của tỉnh - đó là sự quyết tâm và là mục tiêu mà tỉnh ta nói chung, ngành Giao thông vận tải tỉnh nói riêng đang tích cực triển khai để hiện thực hóa…

theo baokontum.com.vn
 

Top page Desktop