soi-noi-cac-hoat-dong-ky-niem-51-nam-chien-thang-dak-to-tan-canh

Sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 51 năm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh

Sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 51 năm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh

Article

Kỷ niệm 51 năm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972 - 24/4/2023), huyện Đăk Tô đã triển khai nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực. Không chỉ nhằm khắc ghi, tri ân công lao của các anh hùng, chiến sĩ đã hi sinh xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, các hoạt động còn mang tới không khí tươi vui, hào hứng, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua của quân và dân trên địa bàn. Đồng thời giáo dục thế hệ đi sau về truyền thống hào hùng của vùng đất và con người nơi đây.

Đồng chí Sa Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô bày tỏ: 51 năm đã trôi qua, nhưng Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh vẫn luôn in đậm trong tâm trí của quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Đăk Tô nói riêng. Đó là nguồn động lực thôi thúc các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân trong huyện tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những bài học kinh nghiệm đúc rút từ Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh có giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc, sẽ tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh là khúc ca hùng tráng về tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường, đoàn kết một lòng, hợp đồng chặt chẽ giữa các binh chủng (giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích). Sự kiện đã làm thay đổi cục diện chiến trường ở Tây Nguyên, góp phần làm nên thắng lợi tại Hội nghị Paris buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấp nhận thất bại rút quân về nước; tạo bước đà cho đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. 

Mang ý nghĩa to lớn như vậy, di tích Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh cùng với các điểm cao 1015, 1049 đã từng bước được địa phương bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử. Huyện Đăk Tô dần trở thành điểm đến ý nghĩa của du khách trong nước và quốc tế nếu muốn khám phá và tìm hiểu về chiến trường xưa. Địa phương trở thành địa điểm tổ chức nhiều sự kiện về nguồn, nhằm tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ đi sau về những chiến công vang dội của quân và dân Tây Nguyên, cũng như tri ân sự hy sinh anh dũng của chiến sĩ cách mạng.

Trong năm nay, một trong những điểm nổi bật của chuỗi hoạt động kỷ niệm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh chính là sự kiện Lễ công bố Quyết định công nhận bảo vật quốc gia xe tăng T59 số hiệu 377 (xe tăng 377).

Xe tăng 377 đang lưu giữ và trưng bày tại khuôn viên tượng đài Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh. Đây là hiện vật quý, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc truyền thống cách mạng đối với các tầng lớp nhân dân; là vật chứng xác thực ghi dấu chiến công to lớn của quân và dân ta nói chung và bộ đội tăng thiết giáp nói riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Xe tăng 377  là hiện vật quý, độc bản, có giá trị ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh và giải phóng dân tộc.

Mang trong mình những giá trị lịch sử đó, ngày 15/4/2021, UBND huyện Đăk Tô đã có tờ trình gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị xây dựng hồ sơ bảo vật quốc gia đối với xe tăng 377.

Công tác sưu tầm tài liệu được tiến hành tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Quân đoàn 3, Trung đoàn Tăng thiết giáp 273, Bảo tàng Tăng thiết giáp; đồng thời, gặp gỡ, trao đổi một số nhân chứng lịch sử liên quan đến hiện vật xe tăng 377 tham gia trong chiến dịch Xuân - Hè năm 1972 ở Đăk Tô - Tân Cảnh.

Trên cơ sở tham gia ý kiến góp ý của các ban, ngành, đơn vị, địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Hội đồng thẩm định tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện hồ sơ đảm bảo theo quy định, trình tự, thủ tục đề nghị công nhận Xe tăng T59 số hiệu 377 là bảo vật quốc gia.

Ngày 30/01/2023 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 41/QĐ-TTg về việc công nhận bảo vật quốc gia (Đợt 11), trong đó có xe tăng T59, số hiệu 377.

“Đây là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đăk Tô trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử. Để địa phương xứng đáng là nơi lưu giữ hồn thiêng sông núi, thực sự trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, hun đúc ý chí, khát vọng xây dựng đất nước hưng vượng, hùng cường cho các thế hệ hôm nay và mai sau” – đồng chí Sa Phương phấn khởi cho biết.

Cùng với Lễ công bố Quyết định công nhận bảo vật quốc gia xe tăng 377, trong dịp kỷ niệm 51 năm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, UBND huyện Đăk Tô còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa khác như: Tổ chức dâng hoa Tượng đài Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, viếng Nghĩa trang Liệt sĩ huyện; khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Đăk Tô lần thứ IV năm 2023; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của huyện Đăk Tô và các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hoạt động văn học - nghệ thuật.

Đồng chí Sa Phương đánh giá: Qua sự kiện kỷ niệm 51 năm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, chúng tôi mong muốn khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết trong nhân dân, tạo khí thế thi đua sôi nổi để thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 của huyện nhà. Đồng thời tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội.

Theo https://www.baokontum.com.vn/xa-hoi/soi-noi-cac-hoat-dong-ky-niem-51-nam-chien-thang-dak-to-tan-canh-29330.html

Ban biên tập trang thông tin điện tử 

Top page Desktop