Thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh: Linh hoạt ưu đãi, chào đón nhà đầu tư
Thu hút đầu tư vừa là nhiệm vụ, mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế bền vững các địa phương. Để có thể tạo sức hút thực sự trong lĩnh vực này, tỉnh Kon Tum không chỉ đảm bảo thực hiện ở mức cao nhất các quy định của Trung ương, mà còn linh hoạt vận dụng cơ chế ưu đãi đặc thù để kêu gọi, chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào địa bàn.
Kon Tum là tỉnh nghèo, điều kiện kết cấu hạ tầng nói riêng và cơ sở vật chất kỹ thuật nói chung còn nhiều khó khăn. Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, các cấp ngành, địa phương, đơn vị của tỉnh đã có nhiều cố gắng linh hoạt áp dụng cơ chế ưu đãi đặc thù gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến địa bàn.
Về hệ thống tổ chức chuyên ngành ở cấp tỉnh, hiện nay, ngoài Trung tâm Xúc tiến đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tổ Xúc tiến đầu tư thuộc Văn phòng UBND tỉnh đã được thành lập, nhằm tham mưu triển khai công tác thường xuyên cũng như kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực này.
Đẩy mạnh cải cách hành chính góp phần thu hút đầu tư, ông Phan Văn Thế - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trước hết, thời gian giải quyết thủ tục liên quan đến đầu tư được rút ngắn. Chẳng hạn, theo Luật Đầu tư, trước đây, quá trình cấp phép thủ tục chấp thuận đầu tư được quy định trong khoảng 35 ngày, hiện đã được rút ngắn còn 15 ngày. Cấp đổi giấy phép đăng ký kinh doanh, trước đây cần 3 ngày, bây giờ có thể trả trong ngày... Không chỉ định kỳ tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, từ tháng 6/2017, vào sáng thứ 5 hằng tuần, lãnh đạo tỉnh đã gặp gỡ, “cà phê sáng” cùng các doanh nhân tại quán cà phê khởi nghiệp để lắng nghe, chia sẻ, trao đổi nhằm tháo gỡ khó khăn về mặt thủ tục hoặc xem xét, giải quyết ý kiến của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Cổng thông tin điện tử của tỉnh đăng tải thông tin và tiếp nhận phản ánh, ý kiến của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở KH&ĐT tham mưu nghiên cứu, tổ chức các hội nghị để học tập, chia sẻ kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực này.
Theo ông Vũ Mạnh Hải - Phó trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh (BQL KKT tỉnh), linh hoạt áp dụng cơ chế ưu đãi phù hợp đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong thu hút đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Tổ hỗ trợ đầu tư trực thuộc BQL KKT tỉnh đã được thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả. Không chỉ chu đáo hướng dẫn thủ tục cho nhà đầu tư, khi cần, Tổ hỗ trợ đầu tư còn trực tiếp soạn thảo miễn phí các văn bản giúp nhà đầu tư hoàn tất quy trình chuẩn bị hồ sơ. Quy trình chi tiết trình tự thủ tục đầu tư vào KKT tỉnh được công khai trên Trang thông tin điện tử KKT tỉnh, nên nhà đầu tư có thể tham khảo để thực hiện, không cần đến BQL mà vẫn có thể gửi hồ sơ qua đường bưu điện sau khi hoàn tất thủ tục. Đáng chú ý, trong quá trình giải quyết công việc, BQL đã linh hoạt ghép hoặc rút gọn các thủ tục hành chính. Các thủ tục hành chính được cam kết giải quyết chỉ trong thời gian bằng một nửa hoặc 2/3 thời gian quy định. Những thủ tục không cần lấy ý kiến các sở, ban, ngành, có thể được giải quyết ngay trong ngày cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, BQL KKT tỉnh cũng quan tâm tạo điều kiện để các nhà đầu tư tiếp cận đất đai một cách thuận lợi nhất, thông qua việc đăng tải công khai quỹ đất cho thuê và kịp thời tham mưu UBND tỉnh quyết định điều chỉnh quy hoạch cục bộ Khu Kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Là một trong số huyện nghèo nhất của cả nước hưởng đầu tư theo Quyết định 30a của Chính phủ, nên để thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn, huyện Kon Plông cũng đã chủ động giải quyết ưu đãi đầu tư ở mức cao nhất so với quy định của Trung ương. Quan tâm trước tiên là tập trung đầu tư từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, như mạng lưới đường nội vùng, hệ thống điện, cấp nước trong vùng quy hoạch.
Ông Đặng Thanh Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Huyện áp dụng cơ chế ưu đãi, hỗ trợ 50% lãi suất của các ngân hàng thương mại cho vay trên địa bàn đặc thù đối với các cơ sở chế biến nông- lâm- thủy sản, giảm 70% tiền thuế đất nhà đầu tư được giao; giảm 50% tiền sử dụng đất, đặc biệt, có thể xem xét miễn tiền sử dụng đất đúng mục đích theo quy hoạch đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, miễn tiền thuê đất mặt nước tối đa trong 15 năm đầu kể từ ngày hoàn thành đưa dự án vào hoạt động; miễn tiền thuê đất đối với diện tích xây dựng nhà tập thể cho công nhân, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng phục vụ người lao động trong phạm vi triển khai các dự án đầu tư...
Mới đây, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành danh mục 45 dự án trọng điểm ưu tiên thu hút đầu tư và 63 dự án thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020. Linh hoạt vận dụng cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào địa bàn góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu này.
theo baokontum.com.vn