Thường trực Tỉnh ủy làm việc về tình hình phát triển các khu, cụm công nghiệp
Chiều 26/10, Thường trực Tỉnh ủy gồm các đồng chí: Đồng chí Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Lê Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc về tình hình quy hoạch, đầu tư phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn thành phố Kon Tum
rên địa bàn thành phố Kon Tum có 2 KCN (KCN Hòa Bình, KCN Sao Mai) và 4 CCN-TTCN (CCN - TTCN làng nghề H’Nor, CCN - TTCN Thanh Trung, CCN - TTCN xã Hòa Bình và CCN - TTCN phường Ngô Mây và xã Đăk Cấm).
Quang cảnh buổi làm việc
KCN Hòa Bình có diện tích 130 ha, được chia làm 2 giai đoạn (giai đoạn 1: 60 ha; giai đoạn 2: 70 ha). Trong 60ha triển khai giai đoạn 1, có 50,51ha đất công nghiệp, đã cho thuê 48,37 ha; tỷ lệ lấp đầy đạt 95,76%. Đến nay, thu hút được 34 nhà đầu tư với 39 dự án (29 doanh nghiệp/32 dự án đang hoạt động) với tổng vốn thực hiện 541,873 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 1.546 lao động và 5 doanh nghiệp/7 dự án đang triển khai.
KCN Sao Mai quy mô 150ha; năm 2019, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) Khu đô thị - dịch vụ Sao Mai (60 ha) gắn với KCN Sao Mai. Hiện có 03 dự án đăng ký đầu tư với vốn đăng ký khoảng 615 tỷ đồng, trên diện tích 40,21 ha.
CCN-TTCN làng nghề H’Nor (phường Lê Lợi) có diện tích 70.103m2; hiện có 236/243 cơ sở hoạt động; tỷ lệ lấp đầy khoảng 93,74%. CCN - TTCN Thanh Trung, phường Ngô Mây có diện tích 45,8ha; tỷ lệ lấp đầy khoảng 35%. CCN - TTCN xã Hòa Bình có diện tích 47,21ha; tỷ lệ lấp đầy khoảng 40,35%. CCN-TTCN phường Ngô Mây và xã Đăk Cấm chưa đi vào hoạt động.
Nhìn chung các CCN cơ bản đáp ứng được nhu cầu về đất sản xuất để di dời các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm trong khu dân cư tại các phường nội thành vào hoạt động sản xuất ổn định tại các CCN, tạo vẻ đẹp mỹ quan đô thị, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tạo thu nhập ổn định cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, từng bước tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Tại buổi làm việc, các đơn vị, địa phương đã trao đổi về một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện như khó khăn trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng để thi công xây dựng; cơ sở hạ tầng tại các CCN chưa được đầu tư và đầu tư chưa đồng bộ, tỷ lệ đầu tư hạ tầng còn thấp so với quy hoạch được phê duyệt do ngân sách trung ương và địa phương đầu tư thấp và không thường xuyên ảnh hưởng đến việc hoạt động sản xuất, vận chuyển hàng hóa và thu hút đầu tư vào các khu, CCN; công tác kiểm tra, quản lý nhà nước cũng gặp nhiều khó khăn…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kết luận buổi làm việc
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh phối hợp với các đơn vị, địa phương tiếp tục phát huy vai trò làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp khắc phục các tồn tại, khó khăn trong phát triển các KCN trên địa bàn, góp phần vào phát triển kinh tế của tỉnh.
Trước mắt, sớm đưa KCN Sao Mai đi vào hoạt động hiệu quả như hoặc hơn KCN Hòa Bình; Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng Khu Đô thị - Dịch vụ Sao Mai để nhanh chóng hoàn chỉnh hạ tầng, đấu giá sớm nhất để có nguồn vốn cho đầu tư tiếp theo; Tăng cường xúc tiến đầu tư vào các khu, CCN, nhất là tạo điều kiện về mặt pháp lý cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh.
UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu tham mưu đối với nhân lực, biên chế làm việc tại Trung tâm Phát triển quỹ đất đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Sau khi có Quyết định phê duyệt quy hoạch Khu công nghiệp sản xuất, chế biến dược liệu tập trung (tại huyện Đăk Tô) của Chính phủ, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh nhanh chóng tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện.
Ban biên tập trang thông tin điện tử