tinh-kon-tum-ban-hanh-chuong-trinh-xuc-tien-dau-tu-nam-2022

Tỉnh Kon Tum: Ban hành chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022

Tỉnh Kon Tum: Ban hành chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022

Article

Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành Quyết định số 1030 /QĐ-UBND  Phê duyệt Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 tỉnh Kon Tum.

I. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG, MỤC TIÊU

1. Quan điểm:

- Thu hút đầu tư là một nội dung quan trọng, quyết định đến kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, cần phải cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, xây dựng và thực hiện có hiệu quả Đề án cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đến năm 2030.

- Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

- Phát huy lợi thế vùng lõi của khu vực Tam giác phát triển, trên tuyến hành lang Đông Tây qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Tăng cường thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư kinh doanh xây dựng hạ tầng các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thu hút các nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết đến tìm hiểu cơ hội và đầu tư trên địa bàn Khu kinh tế, các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

- Thu hút đầu tư phải sử dụng hợp lý, tiết kiệm tối đa tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ tốt môi trường, đảm bảo an ninh chính trị, phát huy lợi thế sẵn có, đảm bảo phát triển bền vững; không thu hút đầu tư bằng mọi giá.

- Đồng hành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong qua trình triển khai thực hiện dự án đầu tư và sản xuất kinh doanh.

- Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, coi trọng công tác phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

- Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn có tiềm lực vốn, công nghệ tiên tiến để tham gia đầu tư vào các lĩnh vực lợi thế của tỉnh.

- Đa dạng hóa hình thức xúc tiến đầu tư; tăng cường xúc tiến đầu tư thông qua hoạt động đối ngoại, hợp tác với các cơ quan, tổ chức ngoại giao, kinh tế, thương mại của Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời lấy hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ làm trọng tâm để giữ chân các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Kon Tum.

2. Định hướng

- Tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh, gắn kết với các hoạt động xúc tiến đầu tư của các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương.

- Tăng cường công tác thông tin và truyền thông nhằm quảng bá hình ảnh, chính sách và môi trường đầu tư của tỉnh đến các đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

- Tăng cường năng lực và đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước; đồng thời, tiếp tục tăng cường kết nối, quan hệ hợp tác với một số doanh nghiệp và địa phương nước ngoài, nhất là Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Úc,... qua đó kêu gọi các tập đoàn có tiềm lực kinh tế trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư. Chú trọng công tác thúc đẩy triển khai thực hiện các dự án đầu tư sau khi cấp phép. Tiếp tục cải thiện các chỉ số thành phần có điểm thấp trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phấn đấu đưa vị thứ xếp hạng PCI tỉnh Kon Tum vào nhóm khá trong bảng xếp hạng PCI cả nước.

- Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tiên tiến, hiện đại, công nghệ xanh, thân thiện với môi trường. Phát triển công nghiệp chế biến nông lâm và thủy sản. Tập trung đầu tư phát triển các loại dược liệu giá trị cao, nhất là Sâm Ngọc Linh. Phấn đấu phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025.

- Phát triển mạnh các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình trọng điểm đang triển khai trên địa bàn để sớm đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Tập trung đầu tư phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh, như: Chế biến nông lâm sản, dược liệu; khai thác và chế biến khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng (ưu tiên cho sản xuất vật xây dựng không nung); phát triển công nghiệp cơ khí phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn; rà soát, đánh giá, cân nhắc phát triển các dự án thủy điện, điện gió, điện mặt trời theo đúng quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường. Phát triển kinh tế cửa khẩu, các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề truyền thống, tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn.

- Xã hội hóa việc phát triển trung tâm thương mại ở vùng thuận lợi, hỗ trợ và khuyến khích đầu tư chợ, cửa hàng ở vùng khó khăn, nơi có điều kiện; phát triển mạnh thương mại điện tử. Chủ động mở rộng các mặt hàng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh hợp tác phát triển thương mại, dịch vụ; hình thành các chợ phiên tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

- Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin, tư vấn, chăm sóc sức khỏe, giải trí,... đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của Nhân dân. Phát triển hệ thống khách sạn, nhà hàng và hạ tầng thiết yếu khác để phục vụ du lịch.

- Chú trọng đầu tư, khai thác có hiệu quả các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - lịch sử - làng nghề và du lịch cộng đồng. Khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch tại khu vực cột mốc biên giới 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Xây dựng các tour du lịch theo tuyến hành lang Đông - Tây, du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch mạo hiểm. Nâng lượng khách du lịch đến tỉnh đạt 2,5 triệu lượt người vào năm 2025.

- Hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử tỉnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong công tác xúc tiến đầu tư và quản lý nhà nước đối với xúc tiến đầu tư; phát triển Chính quyền điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Tập trung ứng dụng và chuyển giao các công nghệ chủ chốt, tiên tiến, hiện đại phù hợp với điều kiện của tỉnh vào các ngành, lĩnh vực như: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ; bảo quản, chế biến nông sản, dược liệu và các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

3. Mục tiêu:

- Huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và dược liệu; đầu tư phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ và tăng cường cải cách hành chính; bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và mức sống của Nhân dân; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. Giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

- Cải thiện điểm số và vị trí xếp hạng về năng lực cạnh tranh của tỉnh, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, tạo thuận lợi hơn cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh.

- Phấn đấu 100% các dự án đầu tư triển khai đúng tiến độ, không có dự án ảnh hưởng đến môi trường, an ninh và đều mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.

- Thực hiện tốt các nhiệm vụ xúc tiến đầu tư ra nước ngoài, phấn đấu đến năm 2030, thu hút ít nhất 02 dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn thuộc nhóm ngành, lĩnh vực đột phá, trọng tâm về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dược liệu gắn với công nghiệp chế biến, phát triển du lịch, phát triển đô thị,... trên địa bàn tỉnh.

II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ 2022

1. Nghiên cứu tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư.

2. Xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư.

3. Hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư.

4. Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư.

5. Xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư.

6. Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư.

7. Đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư.

8. Hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư.

BBT

Top page Desktop