Quy định về ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư
Chính phủ đã ban hành Nghị định 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật đầu tư 2014, Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 27/12/2015 và thay thế Nghị định 108/2006/NĐ-CP.
Theo đó, Nghị định này gồm 6 chương và 67 Điều, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư về việc áp dụng, kiểm soát, công bố điều kiện đầu tư kinh doanh; các biện pháp bảo đảm đầu tư; ưu đãi đầu tư; thủ tục đầu tư; triển khai hoạt động của dự án đầu tư và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư.
Một trong nhiều điểm mới của Nghị định 118 là hướng dẫn chi tiết Điều 42 Luật Đầu tư 2014, quy định Nhà đầu tư phải ký quỹ trong trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư.
Mức ký quỹ được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên vốn đầu tư của dự án đầu tư theo nguyên tắc lũy tiến từng phần như sau: Đối với phần vốn đến 300 tỷ đồng, mức ký quỹ là 3%; Đối với phần vốn trên 300 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng, mức ký quỹ là 2%; Đối với phần vốn trên 1.000 tỷ đồng, mức ký quỹ là 1%. Tiền ký quỹ được nộp vào tài khoản của Cơ quan đăng ký đầu tư mở tại ngân hàng thương mại tại Việt Nam theo lựa chọn của nhà đầu tư. Nhà đầu tư chịu chi phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản ký quỹ và thực hiện các giao dịch liên quan đến tài khoản ký quỹ.
Nhà đầu tư sẽ không phải ký quỹ trừ các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 27 Nghị định này, như: Nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất; Nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư; Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đã thực hiện ký quỹ; Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trên cơ sở nhận chuyển nhượng của người sử dụng đất khác; Nhà đầu tư là đơn vị sự nghiệp có thu được thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chức năng trong khu kinh tế….
Cũng theo Nghị định 118, toàn bộ các huyện và thành phố của tỉnh Kon Tum là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định.
Như vậy, đến nay đã có một số văn bản hướng dẫn Luật đầu tư 2014, bao gồm:
1. Nghị định 84/2015/NĐ-CP về giám sát và đánh giá đầu tư.
2. Nghị định 83/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài.
3. Nghị định 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành Luật đầu tư 2014.
4. Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
5. Quyết định 19/2015/QĐ-TTg Quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao.
6. Công văn 4326/BKHĐT-ĐTNN về thủ tục tiếp nhận và biểu mẫu thực hiện hoạt động đầu tư theo Luật đầu tư.
7. Công văn 4332/BKHĐT-ĐTNN về áp dụng tạm thời thủ tục, mẫu văn bản thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
8. Công văn 4366/BKHĐT-PC triển khai thi hành Luật Đầu tư.
9. Công văn 5122/BKHĐT-PC triển khai thi hành Luật đầu tư…
Tổng hợp: QHMT