Mục tiêu và giải pháp phát triển giao thông vận tải tỉnh Kon Tum đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Cơ bản hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống giao thông vận tải; tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch tạo sự đồng bộ, liên thông với mạng lưới giao thông vận tải của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Tây Nguyên và cả nước; đáp ứng nhu cầu vận tải và dịch vụ vận tải với chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá thành hợp lý và cạnh tranh, nhanh chóng, an toàn.... Đây là định hướng quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Kon Tum đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 1176/QĐ-UBND ngày 07/10/2016 của UBND tỉnh Kon Tum.
Lễ thông xe đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Kon Tum (tháng 6/2015)
Theo quy hoạch, mục tiêu cụ thể đến năm 2025:
Khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 21,8 triệu tấn/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân 10,9%/năm; khối lượng vận chuyển hành khách đạt khoảng 24,9 triệu HK/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân 12,34%/năm.
Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bờ Y - Ngọc Hồi - Plei Ku (Gia Lai). Đẩy nhanh quá trình đầu tư nâng cấp, mở rộng các quốc lộ qua địa bàn tỉnh như đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24, QL14C, QL40, QL40B theo kế hoạch; đầu tư xây dựng tuyến tránh đường Hồ Chí Minh đoạn qua thành phố Kon Tum và các thị trấn Đắk Hà, ĐắkTô, Ngọc Hồi, Đắk Glei. Tập trung đưa hệ thống đường tỉnh vào cấp kỹ thuật, nâng cấp tất cả các tuyến đường đạt tối thiểu cấp IV miền núi; nâng cấp một số tuyến đường lên đường tỉnh, xây dựng mới một số tuyến đường tỉnh có tính chất đặc biệt quan trọng, có tính kết nối và có nhu cầu vận tải cao. Tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới mạng lưới giao thông của TP Kon Tum và các thị trấn huyện theo Quy hoạch chung đô thị được phê duyệt; duy tu bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống đường GTNT hiện có, xây dựng mới các tuyến đường GTNT đảm bảo tỷ lệ mặt đường cứng hóa đạt từ 60-70%, riêng các tuyến đường đến trung tâm các xã đạt 100%.
Hệ thống cầu, cống trên các quốc lộ và đường tỉnh được xây dựng vĩnh cửu 100% phù hợp theo cấp đường, tải trọng thiết kế tối thiểu đạt tiêu chuẩn HL93; trên các tuyến đường huyện, đường xã được xây dựng kiên cố, phù hợp với cấp đường, tải trọng thiết kế tối thiểu đạt tiêu chuẩn bằng 0,5 hoặc 0,65 HL93 (theo tiêu chuẩn 22TCN-272-05). Bến, bãi đỗ xe, điểm đỗ xe được nâng cấp, tăng năng lực phục vụ với các bến xe hiện có; xây dựng mới các bến xe khách ở ngoài khu vực đô thị trung tâm của TP Kon Tum, các bến xe tại trung tâm các huyện; bố trí các bãi đỗ xe, điểm đỗ xe tại khu vực TP Kon Tum và trung tâm thị trấn các huyện.
Về kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, tập trung cải tạo, nâng cấp đảm bảo an toàn các luồng tuyến đường thuỷ nội địa chính: thanh thải chướng ngại vật trên hồ Yaly, đầu tư hệ thống phao tiêu, báo hiệu chỉ dẫn luồng trên hồ Yaly, Plei Krông, ĐăkĐrinh, sông Đăk Bla... Phát triển phương tiện thủy nội địa theo hướng cơ cấu hợp lý phù hợp với điều kiện địa hình tự nhiên, đặc điểm sông ngòi và lưu lượng vận chuyển hàng hóa, hành khách trên địa bàn tỉnh. Nâng cấp và xây dựng mới một số bến thủy nội địa chính đảm bảo mục tiêu phục vụ của bến là phục vụ dân sinh, kết hợp phục vụ giao thông công cộng: bến du lịch Plei Weh, Đăk bla, bến làng Chờ, bến Kon Gung, Đăk Rơ Wa, Kon Ktu...
Về kết cấu hạ tầng đường hàng không, tập trung các nguồn lực để đầu tư xây dựng sân bay Kon Tum theo Quy hoạch đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt; nghiên cứu xây dựng sân bay taxi Măng Đen vào thời điểm thích hợp.
Theo dự kiến, tổng nhu cầu quỹ đất dành cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đến năm 2025 là 8.149,06 ha và đến năm 2035 là 8.829,49 ha; tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển đến năm 2035 ước khoảng 99.941 tỷ đồng (cụ thể: giai đoạn 2016-2020, ước khoảng 47.881 tỷ đồng; giai đoạn 2021-2025, ước khoảng 21.639 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2035, ước khoảng30.421 tỷ đồng).
Cầu ĐăkBla trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua thành phố Kon Tum
Để đạt được những mục tiêu trên, UBND tỉnh đã đề ra 06 giải pháp thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đến năm 2035, cụ thể:
Phát triển giao thông vận tải theo quy hoạch, kế hoạch: Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch cụ thể cho các công trình GTVT trên địa bàn tỉnh, đặc biệt các công trình đến các tuyến quốc lộ đã được Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch; tổ chức thẩm định an toàn giao thông đối với tất cả các công trình nâng cấp và xây dựng mới theo quy định; xác định và cắm mốc lộ giới, dành quỹ đất để mở rộng, nâng cấp các công trình giao thông, giảm thiểu chi phí đền bù và một loạt các vấn đề có liên quan đến giải phóng mặt bằng sau này; thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng quỹ đất dành cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường sự phối hợp giữa các vùng trong tỉnh, giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh duyên hải Miền Trung... nhằm thực hiện có hiệu quả việc liên kết, kết nối hạ tầng giao thông góp phần thúc đẩy phát triến kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum theo hướng bền vững.
Quản lý sử dụng nguồn vốn có hiệu quả: Các quyết định đầu tư công trình giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh phải căn cứ vào quy hoạch phát triển hệ thống GTVT được Chính phủ, UBND tỉnh phê duyệt; công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, không phân biệt loại hình sở hữu, áp dụng giá sàn, ngăn chặn việc bỏ thầu thấp ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ công trình; tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chất lượng công trình, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với các dự án công trình giao thông.
Thu hút vốn đầu tư phát triển: Đa dạng hóa việc huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, từ các thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau như BOT, BT, PPP, ODA; bố trí nguồn vốn ngân sách để đầu tư một số công trình cấp bách như hệ thống cầu yếu và các công trình gia cố bền vững chống sạt lở; ưu tiên đầu tư một số dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, đặc biệt là các công trình lớn, có sức lan tỏa, tạo ra đột phá lớn và mang tính kết nối; tăng cường huy động nguồn lực đất đai để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thông qua khai thác quỹ đất, cho thuê quyền khai thác và chuyển nhượng có thời hạn kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; ban hành chính sách ưu đãi về trợ giá, lãi vay ngân hàng trong hoạt động VTHKCC bằng xe buýt, đặc biệt ưu tiên đối với các dự án đầu tư phương tiện xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường.
Đảm bảo trật tự an toàn giao thông: Hoàn thiện các quy định, kiện toàn tổ chức quản lý an toàn giao thông từ tỉnh đến địa phương hướng tới đảm bảo trật tự an toàn giao thông một cách bền vững; phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương về công tác quản lý, công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; nâng cao chất lượng công tác tổ chức giao thông, công tác phân luồng, phân làn, đặc biệt chú trọng đến bố trí các nút đèn tín hiệu giao thông hợp lý; tăng cường công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân về việc nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ, đặc biệt là học sinh, sinh viên, công nhân lao động tại các khu công nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và quản lý người điều khiển phương tiện vận tải; chất lượng kiểm định phương tiện cơ giới; công tác cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng 24/24h để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra; phát triển KCHTGT đường bộ phải đảm bảo quỹ đất dành cho hành lang an toàn giao thông; các dự án phải được thẩm định về an toàn giao thông và tiến tới xóa các điểm đen trên tuyến; tăng cường công tác kiểm tra, thống kê, báo cáo thường xuyên đối với giao thông ĐTNĐ, các bến thủy nội địa, bến khách ngang sông phải có giấy phép hoạt động và các phương tiện đường thủy phải được đăng ký, đăng kiểm theo định kỳ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc đầu tư phát triển giao thông vận tải và việc nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ
Ứng dụng khoa học công nghệ: Đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ trong quản lý, khai thác, bảo trì công trình giao thông; cập nhật công nghệ thi công mới đặc biệt là đối với công trình ở đô thị; sử dụng vật liệu mới, công nghệ mới trong thiết kế và thi công công trình giao thông nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tín hiệu trong quản lý điều hành giao thông.
Phát triển nguồn nhân lực: Tăng cường đào tạo đội ngũ nhân lực quản lý, khai thác, bảo trì, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nhân lực vận tải (đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ cao, có khả năng ứng dụng khoa học - công nghệ mới, hiện đại trong lĩnh vực giao thông vận tải); xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực giao thông vận tải và các doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, đồng thời phát triển nguồn nhân lực và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực đã được đào tạo; phối hợp tổ chức các khóa đào tạo dài hạn, trung hạn, ngắn hạn trong lĩnh vực giao thông vận tải tại nước ngoài theo các phương thức hợp tác quốc tế và các hình thức đào tạo khác; xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực giao thông vận tải.
Theo kontum.gov.vn