tang-cuong-cong-tac-phong-ngua-ung-pho-cac-su-co-moi-truong-trong-mua-mua-bao-tren-dia-ban-tinh

Tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường trong mùa mưa bão trên địa bàn tỉnh

Tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường trong mùa mưa bão trên địa bàn tỉnh

Article

Nhằm phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường trong mùa mưa bão trên địa bàn tỉnh, thực hiện Công văn số 6892/BTNMT-KSONMT ngày 22 tháng 8 năm 2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 29/8/2023 UBND tỉnh ban hành văn bản số 2822/UBND-NNTN về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường trong mùa mưa bão. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh vừa yêu cầu:

1. Thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao:

- Chủ động nghiên cứu, triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường có thể xảy ra trong mùa mưa bão và đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023-2030 và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 6892/BTNMT-KSONMT ngày 22 tháng 8 năm 2023; đồng thời làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường trên địa bàn.

- Thường xuyên theo dõi thông tin dự báo về các hiện tượng thời tiết bất thường để chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường trước, trong và sau mỗi đợt bão, mưa lũ; không để xảy ra sự cố môi trường tại các đơn vị, địa phương, cơ sở tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, bố trí lực lượng, nhân lực, phương tiện, trang thiết bị ứng phó sự cố và sẵn sàng tham gia ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn đảm bảo hiệu quả và theo đúng quy định; không để bị động, bất ngờ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, ô nhiễm, suy thoái môi trường; tiến hành làm vệ sinh môi trường và xử lý ô nhiễm môi trường ngay sau khi nước rút đảm bảo không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường thứ phát và phát sinh dịch bệnh.

 2. Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, chủ động nắm bắt tình hình, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp kịp thời xử lý, giải quyết sự cố môi trường xảy ra trên địa bàn, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sau mỗi đợt bão, mưa lũ; đồng thời phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường, sự cố chất thải nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường.

3. Sở Y tế theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo, triển khai thực hiện đầy đủ các yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật liên quan khác; chủ động ứng phó, ngăn chặn, xử lý kịp thời sự cố môi trường do chất thải y tế gây nên; tổ chức phun thuốc khử trùng, diệt bọ gậy, ruồi, muỗi… để phòng, chống các loại dịch bệnh phát sinh sau mưa lũ; có phương án dự phòng hóa chất xử lý nước sinh hoạt và hướng dẫn các địa phương xử lý nước giếng bị ô nhiễm do lũ lụt để sử dụng cho sinh hoạt, đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân vùng lũ.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực về Phòng chống thiên tai) theo chỉ đạo Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan kiểm tra, rà soát, tiến hành gia cố bờ hồ, đập chứa, các công trình thủy lợi, các khu vực nuôi trồng thủy hải sản; xây dựng phương án, sẵn sàng bố trí các nguồn lực ứng phó khi có sự cố xảy ra; hướng dẫn các địa phương, cơ sở chăn nuôi xử lý, tiêu hủy gia súc, gia cầm, động vật chết do bão, lũ lụt đảm bảo đúng quy định về phòng, chống dịch bệnh.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, Ban Quản lý các chợ… thực hiện tốt hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý triệt để rác thải phát sinh trên địa bàn; chủ động nguồn nhân lực, chuẩn bị trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng triển khai hoạt động thu gom, vệ sinh môi trường, nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định đời sống của người dân tại địa phương sau mưa bão, lũ lụt.

6. Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum tổ chức trực ban, theo dõi thông tin dự báo thời tiết, khi có sự cố môi trường xảy ra, chủ động, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét chỉ đạo ứng phó sự cố, huy động lực lượng, thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố, chỉ định người chỉ huy và người phát ngôn về sự cố môi trường xảy ra trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.

BBT

Top page Desktop