ke-hoach-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-kiem-soat-thu-tuc-hanh-chinh-trong-tam-tai-ban-quan-ly-khu-kinh-te-tinh-kon-tum-nam-2024

Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính trọng tâm tại Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum năm 2024

Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính trọng tâm tại Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum năm 2024

Article

Trên cơ sở Quyết định số 59/QĐ-UBND ngày 29/01/2024 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum về ban hành Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính trọng tâm năm 2024 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Ngày 20/02/2023, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch số 30/KH-BQLKKT triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính trọng tâm năm 2024 tại Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum. Nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

- Đẩy mạnh triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo các văn bản, chương trình, kế hoạch, đề án đã được UBND tỉnh ban hành, bảo đảm thực hiện có kết quả, thực chất, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong năm 2024.

- Tiếp tục triển khai thực hiện rà soát, kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC, quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh trên địa bàn KKT, KCN thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum.

- Phối hợp triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo quy định tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 1613/KH-UBND ngày 20 tháng 5 năm 2021 của UBND tỉnh.

- Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong thực thi công vụ của đội ngũ công chức, viên chức; nâng cao chất lượng giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

2. Chỉ tiêu thực hiện: (Xem phụ lục I kèm theo tại đây).

3. Yêu cầu

- Nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm của trưởng các phòng, đơn vị trực thuộc và  công chức, viên chức trong giải quyết hồ sơ TTHC, đảm bảo các hồ sơ TTHC được giải quyết nhanh chóng, minh bạch, đúng quy định.

- Tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách TTHC, kiểm soát TTHC, rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ, ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.

- Công tác kiểm soát TTHC phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, nghiêm túc, có trọng tâm, đảm bảo theo đúng thời gian quy định;

- Bảo đảm công khai, minh bạch các thông tin về TTHC nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tiếp cận, thực hiện TTHC;

- Phát hiện những quy định, TTHC không cần thiết, không phù hợp, không đáp ứng được các nguyên tắc về quy định và thực hiện TTHC, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ;

- Tiếp nhận và xử lý kịp thời những phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định TTHC.

- Bảo đảm không xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC của tỉnh ban hành trái thẩm quyền.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM: Tập trung triển khai các nhiệm vụ cải cách TTHC, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2024[1] và các Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến cải cách hành chính và cải cách TTHC[2], trong đó tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể như sau:

1. Cải cách các quy định TTHC

a) Rà soát, đơn giản hóa các quy định, TTHC liên quan

- Chủ động rà soát, phát hiện, kiến nghị đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, nhằm xóa bỏ các bất cập về TTHC, các yêu cầu xuất trình giấy tờ công dân không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện TTHC.

- Thường xuyên rà soát các quyết định công bố TTHC của bộ ngành liên quan đến thực thi phương án phân cấp trong giải quyết TTHC đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thuộc phạm vi giải quyết của cơ quan để kịp thời trình UBND tỉnh công bố danh mục TTHC thực hiện trên địa bàn tỉnh nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

b) Tiếp tục rà soát, trình công bố cắt giảm, bổ sung, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong cơ quan hành chính nhà nước.

c) Thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động, thẩm định TTHC khi đề nghị xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật bao gồm cả TTHC nội bộ, bảo đảm các TTHC được quy định đúng thẩm quyền, cần thiết, hợp lý, chi phí tuân thủ thấp nhất.

2. Đổi mới việc thực hiện, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp

- Thực hiện nghiêm việc gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ công việc toàn trình trên môi trường điện tử; thực hiện tiếp nhận và trả kết quả đối với 100% hồ sơ TTHC thông qua hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh để thực hiện đồng bộ 100% hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo quy định.

- Tiếp tục rà soát, đánh giá, cấu trúc lại quy trình đối với các dịch vụ công trực tuyến đang được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, bảo đảm nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm, đồng thời ưu tiên xây dựng, tích hợp, cung cấp các nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông cung cấp ở mức độ toàn trình đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp và mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Tập trung số hóa, làm sạch dữ liệu, gắn việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC với việc thực hiện tiếp nhận, giải quyết TTHC; đẩy mạnh tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa giữa các hệ thống của bộ, ngành trung ương, của tỉnh thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu với Kho quản lý dữ liệu cá nhân, tổ chức trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

- Tổ chức thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về quy định, TTHC; tổ chức kiểm tra, xác minh, làm rõ hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn trong giải quyết TTHC và xử lý nghiêm các phòng, cá nhân có liên quan theo đúng quy định; kịp thời chấn chỉnh việc giải quyết TTHC của các phòng đơn vị trực thuộc. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong tiếp nhận giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công. Thực hiện nghiêm việc báo cáo giải trình của người đứng đầu, xin lỗi người dân, doanh nghiệp và kịp thời khắc phục đối với các trường hợp để xảy ra chậm muộn, tiêu cực trong giải quyết hồ sơ TTHC của cơ quan.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan công khai danh sách đơn vị, công chức, viên chức giải quyết hồ sơ TTHC chậm, muộn hoặc có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực; công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ trên Trang thông tin điện tử cơ quan để tổ chức, cá nhân theo dõi, giám sát.

- Tích cực thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

3. Về công tác kiểm soát TTHC

a) Thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động TTHC, cho ý kiến, thẩm định, thẩm tra quy định TTHC trong đề nghị xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó kiên quyết chỉ ban hành và duy trì TTHC thật sự cần thiết, với chi phí tuân thủ thấp.

b) Thực hiện nghiêm việc trình công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các TTHC trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC để đội ngũ cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện.

c) Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát TTHC, kịp thời phát hiện, xử lý những sai sót, hạn chế trong quá trình thực hiện TTHC.

(Xem chi tiết Phụ lục II kèm theo tại đây)

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Văn phòng BQLKKT tỉnh

- Tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả rà soát, trình lãnh đạo BQLKKT tỉnh và gửi về Văn phòng UBND tỉnh (qua Trung tâm PVHCC tỉnh) theo quy định;

- Phối hợp, đôn đốc các Phòng, đơn vị trực thuộc thực hiện đảm bảo đúng tiến độ thời gian theo quy định;

- Làm đầu mối để liên hệ, phối hợp với các đơn vị có liên quan và Trung tâm PVHCC tỉnh để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

- Chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ các tài liệu, biểu mẫu rà soát, hướng dẫn cách thức rà soát; đăng tải các nội dung có liên quan, biểu mẫu rà soát trên Trang TTĐT (website) của BQLKKT tỉnh.

- Tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính; tham mưu Trưởng ban BQLKKT tỉnh trong việc xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức.

2. Các phòng, đơn vị trực thuộc

Chịu trách nhiệm thực hiện việc rà soát các TTHC thuộc lĩnh vực phụ trách đảm bảo chất lượng, hoàn thành đúng tiến độ thời gian theo quy định.

Ban biên tập trang thông tin điện tử 

 

[1] tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024; Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ; Quyết định số  468/QĐ-TTg ngày 27 tháng 03 năm 2021 và Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ

[2] Kế hoạch số 3993/KH-UBND ngày 05/11/2021 của UBND tỉnh về cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch số 1613/KH-UBND ngày 20/5/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Quyết định số 617/QĐ-UBND ngày 12/12/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước tỉnh Kon Tum năm 2024; Kế hoạch số 509/KH-UBND ngày 24/02/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Top page Desktop