ke-hoach-cham-soc-va-nang-cao-suc-khoe-nguoi-lao-dong-phong-chong-benh-nghe-nghiep-trong-khu-kinh-te-giai-doan-2020-2030

Kế hoạch Chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trong Khu kinh tế giai đoạn 2020 - 2030

Kế hoạch Chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trong Khu kinh tế giai đoạn 2020 - 2030

Article

Thực hiện Kế hoạch số 2561/KH-UBND ngày 16 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tỉnh Kon Tum giai đoạn 2020 – 2030.

Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum xây dựng Kế hoạch chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trong Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y; các Khu Công nghiệp; Cụm Công nghiệp Đăk La giai đoạn 2020 - 2030, như sau:

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu tổng quát

Tăng cường công tác vệ sinh lao động, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, lối sống, dinh dưỡng lành mạnh cho người lao động tại nơi làm việc, phòng chống bệnh tật và bệnh nghề nghiệp cho người lao động, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương, của đất nước.

2. Mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể

- 80% cơ sở lao động được tư vấn về các bệnh không lây nhiễm, thực hiện các biện pháp phòng chống, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp vệ sinh, phù hợp điều kiện lao động, tăng cường vận động tại nơi làm việc.

- 50% người lao động tại các cơ sở lao động có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp được tiếp cận thông tin về yếu tố có hại, biện pháp phòng chống và được khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp vào năm 2025 và đạt 80% vào năm 2030.

- 100% người bị tai nạn lao động, được sơ cấp cứu tại nơi làm việc, mắc bệnh nghề nghiệp được khám bệnh, điều trị và phục hồi chức năng.

- 100% người lao động tại các khu công nghiệp được tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống HIV/AIDS và nuôi con bằng sữa mẹ (lao động nữ) vào năm 2030.

-  Đến năm 2025 giảm 15% các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các cơ sở lao động, đến năm 2030 giảm 25% so với giai đoạn 2010 - 2018.

II. Phạm vi, đối tượng và thời gian triển khai  

1. Phạm vi và đối tượng

- Tất cả các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ và vừa trong địa bàn Khu kinh tế tỉnh.

- Người sử dụng lao động, người lao động, lao động nữ và người lao động lớn tuổi, người lao động không có hợp đồng.

2. Thời gian thực hiện: Từ năm 2020 - 2030.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành về an toàn - vệ sinh lao động và bệnh nghề nghiệp

- Cập nhật, triển khai kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực an toàn lao động, vệ sinh lao động và Bệnh nghề nghiệp.

- Phối hợp sở ngành chức năng điều tra đối với các vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên; phối hợp xử lý nghiêm các hành vi, vi phạm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tai nạn lao động khi có yêu cầu.

Phối hợp thống kê, tổng hợp, đánh giá tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng theo đúng quy định của pháp luật.        

2. Thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe và Bệnh nghề nghiệp

- Phối hợp triển khai công tác phòng chống hiệu quả các bệnh nghề nghiệp tại một số ngành, nghề như: Bệnh điếc nghề nghiệp tại các ngành cơ khí, nhà máy sản xuất tại nơi làm việc có tiếng ồn vượt mức cho phép, bụi phổi nghề nghiệp, giảm thiểu tiếp xúc với yếu tố có hại tại các cơ sở lao động có nguy cơ.

- Phối hợp giám sát, chỉ đạo người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe định kỳ, bệnh nghề nghiệp hàng năm cho người lao động đúng theo quy định, tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhỏ, vừa và các cơ sở sản xuất kinh doanh trong Khu kinh tế có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp, lập hồ sơ quản lý sức khỏe định kỳ, hồ sơ khám bệnh nghề nghiệp tại đơn vị, doanh nghiệp đúng theo quy định.

3. Tổ chức thông tin, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện, tư vấn

- Phối hợp với sở, ngành chức năng đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động, người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở cơ sở sản xuất trên địa bàn Khu kinh tế tỉnh.

-  Phối hợp tuyên truyền giáo dục về an toàn - vệ sinh lao động cho đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ làm công tác an toàn vệ sinh lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động trong Khu kinh tế tỉnh đặc biệt là người lao động không có quan hệ lao động.

4. Phối hợp công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe và bệnh nghề nghiệp

Phối hợp với sở ngành chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe và bệnh nghề nghiệp của các đơn vị, doanh nghiệp. Kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp khắc phục các tồn tại, thiếu sót về công tác an toàn, vệ sinh lao động, đảm bảo ngăn ngừa có hiệu quả nguy cơ gây tai nạn, bệnh nghề nghiệp.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum

- Phối hợp với Sở Y tế, các sở ngành liên quan: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về nguy cơ và tác hại bệnh nghề nghiệp, cách phòng chống bệnh nghề nghiệp; Phối hợp công tác giám sát, quan trắc môi trường lao động; đề xuất các giải pháp cải thiện điều kiện làm việc, môi trường lao động; kiểm tra, giám sát, chặt chẽ, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong Khu kinh tế làm ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động.

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện đúng các quy định hiện hành của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp thanh tra, kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm về luật An toàn, vệ sinh lao động.

- Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn các Khu Công nghiệp, Khu kinh tế nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức công đoàn trong việc tổ chức các phong trào thi đua làm công tác an toàn, vệ sinh lao động và trong hoạt động phối hợp với các cơ quan nhà nước thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng, hướng dẫn và giám sát việc thực hiện kế hoạch, quy chế, nội quy, các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc.

2. Các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong Khu kinh tế tỉnh.

- Tổ chức thực hiện đúng các quy định của Luật an toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn có liên quan; Kế hoạch triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động hàng năm do Ban quản lý Khu kinh tế ban hành.

- Tích cực tham gia các hoạt động triển khai thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp năm 2020 - 2030 theo chỉ đạo, hướng dẫn của các sở, ngành triển khai.

- Quan tâm đầu tư kinh phí cải thiện điều kiện lao động, quan trắc môi trường lao động; đổi mới dây chuyền công nghệ; xây dựng, hoàn thiện quy trình, biện pháp làm việc an toàn lao động; tổ chức huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động; chấp hành tốt công tác tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động; thực hiện nghiêm túc việc báo cáo định kỳ về an toàn, vệ sinh lao động với các cơ quan chức năng.

- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tốt công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, tổ chức thực hiện có hiệu quả tại đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Giao Phòng Quản lý Đầu tư chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện kế hoạch của các đơn vị, doanh nghiệp, cở sở SXKD trong Khu kinh tế; định kỳ tổng hợp báo cáo theo quy định./.

Xem chi tiết văn bản tại đây

BBT trang thông tin điện tử 

Top page Desktop