phien-hop-thu-hai-to-cong-tac-cai-cach-tthc-cua-thu-tuong-chinh-phu

Phiên họp thứ hai Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ

Phiên họp thứ hai Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ

Article

Sáng ngày 16/10, Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ tổ chức phiên họp thứ hai trực tuyến với các địa phương hội nghị chuyên đề đánh giá tình hình triển khai các giải pháp đổi mới trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì hội nghị.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Y Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị là thành viên Tổ công tác cải cách TTHC của Chủ tịch UBND tỉnh. Tại điểm cầu các huyện, thành phố có đại diện lãnh đạo UBND huyện, thành phố và các phòng, ban liên quan.

Đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

Theo báo cáo tại hội nghị, việc thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công đã có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu đã gắn kết với chuyển đổi số theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần, chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp ngày một được cải thiện.

Trong đó, có 50/83 bộ, cơ quan, địa phương thực hiện việc sửa đổi, bổ sung Quy chế tổ chức hoạt động của Bộ phận một cửa, quy chế Hệ thống tin giải quyết TTHC để bổ sung quy trình số hóa trong việc tiếp nhận, giải quyết TTHC. 67/76 bộ, ngành, địa phương đã ban hành Kế hoạch số hóa kết quả giải quyết TTHC đang có hiệu lực; 100% cơ quan, đơn vị quan tâm nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, trong đó đã có 37/76 cơ quan, đơn vị đáp ứng đầy đủ các yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật theo hướng dẫn; 42/76 bộ, cơ quan, địa phương đã xây dựng Kho quản lý dữ liệu điện tử trên HTTT giải quyết TTHC; việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đã được triển khai ở 9.200/11.956 Bộ phận một cửa, chiếm 76,9%.

Thực hiện Đề án 06, 15 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công như: xác thực, định danh, bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy,…, trong đó 09 tháng đầu năm 2023 đã thực hiện tiếp nhận và xử lý tra cứu, xác thực thông tin cho 1,2 tỷ trường hợp, đồng bộ thông tin công dân cho 536 triệu trường hợp, giúp tiết kiệm chi phí thực hiện các thủ tục kiểm tra xác minh, sao in hồ sơ, giấy tờ tùy thân.

Có khoảng 1,9 nghìn TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (chiếm 42%), 1,3 nghìn dịch vụ công trực tuyến một phần (chiếm 28,8%). Có 08 bộ và 29 địa phương triển khai việc tiếp nhận, giải quyết không phụ thuộc vào địa giới hành chính, 6,9 triệu hồ sơ, trong đó bộ, ngành là 3,4 triệu hồ sơ, địa phương là 3,5 triệu hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

10 bộ, 47 địa phương đã thường xuyên công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử (Bộ Chỉ số theo Quyết định 766/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), nhất là danh sách cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công, từ đó tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm giải trình, cải thiện rõ rệt chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Tại hội nghị, đại diện các bộ ngành, địa phương và các đơn vị liên quan đã tập trung thảo luận đánh giá về tình hình và kết quả triển khai các giải pháp đổi mới trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp tại các bộ, ngành, địa phương; trao đổi những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị để thực hiện tốt hơn các giải pháp đổi mới trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới.

Tổ công tác kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp. Bộ ngành địa phương cần triển khai ngay các giải pháp để khắc phục tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công …

Phát biểu kết luận hội nghị, ngoài đánh về kết quả đạt được trong đổi mới trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh thêm về một số tồn tại, hạn chế trong triển khai chực hiện như: về cơ sở dữ liệu còn thiếu, chưa đồng bộ; công tác phối hợp chưa tốt; sự tham gia của doanh nghiệp và người dân còn hạn chế,... Về giải pháp thực hiện trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị, từng cấp từng ngành phải xem đây là nhiệm vụ quan trọng; cần tăng cường vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị để hướng tới xác định rõ việc của từng đơn vị chịu trách nhiệm; phải đồng bộ về hệ thống, kết nối liên thông và chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống.

Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị mỗi Bộ ngành, địa phương cần có sự linh hoạt trong việc xác định vị trí ưu tiên của các nhiệm vụ, giáp thực hiện; chú trọng cắt giảm các dịch vụ công không phát sinh hồ sơ trong 03 năm liền; chủ động báo cáo với Tổ công tác những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện; ưu tiên vấn đề con người, nhân lực tham mưu thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC (có thể điều động, biệt phái từ các đơn vị chuyên môn về để thực hiện nhiệm vụ); tăng cường kiểm tra giám sát trong quá trình thực hiện; đẩy mạnh thực hiện Đề án 06; lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh./.

https://www.kontum.gov.vn/pages/detail/48903/Phien-hop-thu-hai-To-cong-tac-cai-cach-TTHC-cua-Thu-tuong-Chinh-phu.html

Ban biên tập trang thông tin điện tử 

Top page Desktop