thuc-day-thuong-mai-bien-gioi-viet-nam-lao

Thúc đẩy thương mại biên giới Việt Nam-Lào

Thúc đẩy thương mại biên giới Việt Nam-Lào

Article

Qua 3 năm triển khai, Hiệp định thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào đã đạt được những kết quả tích cực, quan trọng về nhiều mặt. Việc xúc tiến thương mại và hợp tác đầu tư đã được tăng cường, triển khai thường niên, đi vào thực chất, phong phú về loại hình, hình thức tổ chức thực hiện.

Ngày 26/7, Bộ Công Thương phối hợp UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực thi Hiệp định thương mại biên giới giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, các nhà đầu tư Việt Nam đã có 292 dự án với tổng số vốn đầu tư 5,1 tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư tại Lào.

Tại 10 tỉnh biên giới của Lào, đã có 110 dự án đầu tư trực tiếp của các nhà đầu tư Việt Nam với tổng số vốn là 2,7 tỷ USD.

Các dự án trên đã góp phần vào sự tăng trưởng và thu ngân sách Lào cũng như mang lại nhiều lợi ích tích cực về kinh tế-xã hội góp phần vào đảm bảo an sinh xã hội và công cuộc xóa đói, giảm nghèo của Chính phủ Lào.

Về phát triển mạng lưới chợ biên giới, đến nay đã xây dựng được 36 chợ, chủ yếu được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách địa phương.

Trong quản lý và điều hành cửa khẩu biên giới, hiện trên tuyến biên giới Việt-Lào có 8 cửa khẩu quốc tế, 7 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ cùng nhiều đường mòn và có 8 khu kinh tế cửa khẩu.

Các cửa khẩu, Khu kinh tế cửa khẩu được hình thành và ngày càng phát triển ổn định đã tạo động lực cho các hoạt động kinh tế thương mại, dịch vụ và đầu tư. Qua đó, nâng cao đời sống người dân của các tỉnh biên giới hai nước Việt Nam-Lào.

Các hoạt động hợp tác với Lào đã góp phần thúc đẩy phát triển thương mại biên giới tuyến Việt-Lào tăng trưởng tích cực.

Theo thống kê của Tổng cục Hải Quan, tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại Việt-Lào giai đoạn 2015-2018 đạt khoảng 13%/năm.

Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam-Lào đạt 1,032 tỷ USD năm 2018, tăng 11,9%/năm so với cùng kỳ năm 2017, riêng 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 594 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2018.

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, doanh nghiệp đã kiến nghị những vướng mắc trong quá trình thực thi Hiệp định như: Cách hiểu và thực hiện một số quy định của Hiệp định còn chưa thống nhất. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp và cơ quan thực thi trong việc miễn kiểm dịch đối với hàng hóa sản xuất tại các tỉnh biên giới Lào của nhà đầu tư Việt Nam khi nhập khẩu về Việt Nam.

Bên cạnh đó, một số quy định của Hiệp định cần được rà soát, sửa đổi lại cho phù hợp với quy định hiện hành và cam kết quốc tế của Việt Nam và Lào; chưa có sự thống nhất về việc thống kê số liệu, theo dõi, phối hợp, trao đổi thông tin về hoạt động thương mại biên giới giữa các cơ quan quản lý và các lực lượng chức năng tại cửa khẩu.

Các đại biểu cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần ưu tiên bố trí nguồn vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng, cửa khẩu biên giới, các chợ biên giới theo quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt Nam-Lào đến năm 2020; có cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng chợ biên giới và đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ thương mại biên giới.

Ngoài ra, các ngành chức năng cần chú trọng tăng cường tổ chức các diễn đàn, hội nghị thúc đẩy kết nối về hạ tầng logistics và khai thông các tuyến đường vận tải hàng hóa giữa Việt Nam-Lào và các nước trong khu vực.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết để nâng cao hiệu quả của Hiệp định, Bộ vẫn trên tinh thần đề nghị sửa đổi Hiệp định cho phù hợp thực tiễn; phần thực thi sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề cụ thể như đăng ký thương nhân, vốn đầu tư… nhằm tạo dựng khung pháp lý chặt chẽ để thực thi Hiệp định.

Đồng thời đề nghị các tỉnh biên giới cần đẩy mạnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Hiệp định đến các cơ quan, tổ chức liên quan chính quyền cơ sở, cộng đồng doanh nghiệp và cư dân biên giới; tăng cường công tác theo dõi thực thi Hiệp định và quy định pháp luật về thương mại biên giới, qua đó nắm bắt các khó khăn, vướng mắc phát sinh để xử lí kịp thời.

Tổng cục Hải quan các tỉnh biên giới cần tăng cường chỉ đạo công tác theo dõi sát diễn biến tình hình, cập nhật số liệu liên quan đến hoạt động thương mại biên giới phục vụ công tác điều hành chung, tiếp tục phối hợp trao đổi thông tin định kì hoạt động thương mại biên giới của Tổng cục Hải quan, UBND các tỉnh biên giới với Bộ Công Thương.

Nguồn "Báo điện tử Chính phủ"

Từ khóa:

Top page Desktop