thuong-truc-tinh-uy-lam-viec-voi-ban-quan-ly-khu-kinh-te

Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế

Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế

Article

Chiều 7/9, tại Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi), Thường trực Tỉnh ủy gồm các đồng chí: Dương Văn Trang- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; A Pớt- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Lê Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh.

Tham dự buổi làm việc có đồng chí Kring Ba- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, các huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Hà và thành phố Kon Tum.

Tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Thanh Hà- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh báo cáo tình hình đầu tư phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Đến nay, tại Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã thu hút được 66 dự án của 54 nhà đầu tư (22 dự án đang hoạt động, 8 dự án tạm dừng hoạt động, 1 dự án xây dựng xong chưa hoạt động, 3 dự án tạm dừng do ảnh hưởng dịch covid-19, 32 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng) với tổng vốn đăng ký 1.470,960 tỷ đồng và đã thực hiện 576,915 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2005-2020, có 3.728.485 lượt hành khách xuất, nhập cảnh; 444.718 lượt phương tiện xuất-nhập cảnh; giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 1.979.664.805 USD (trong đó giá trị hàng hóa xuất khẩu 685.102.369 USD; giá trị hàng hóa nhập khẩu 1.294.562.436 USD)l tổng thu ngân sách đạt 2.294,9 tỷ đồng.

Tại Khu công nghiệp Hòa Bình, đến nay đã lấp đầy quỹ đất công nghiệp với 36 dự án (23 dự án đang hoạt động, 6 dự án tạm dừng hoạt động, 1 dự án xây dựng xong chưa hoạt động và 6 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng) với tổng vốn đăng ký là 655.906 triệu đồng và đã thực hiện 369.957 triệu đồng.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh cũng nêu những bất cập, khó khăn và đề xuất những giải pháp tháo gỡ để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Trong đó, đề nghị tỉnh: Tiếp tục phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh thực hiện một số thủ tục hành chính theo quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án tại Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu xây dựng chiến lược với tầm nhìn dài hạn về phát triển kinh tế-xã hội tuyến biên giới đất liền đặt trong tổng thể Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng, hình thành khu chức năng trong Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y; huy động tổng hợp các nguồn vốn để đầu tư hoàn thiện hạ tầng Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, đặc biệt là chỉnh trang đô thị khu vực phía Đông.

Đề nghị Thường trực Tỉnh ủy thống nhất cho chủ trương thực hiện hình thức thuê đất trả tiền thuê đất 1 lần cho cả thời gian thuê; thu hồi chủ trương đầu tư dự án hạ tầng Khu công nghiệp Đăk Tô (diện tích 100ha/146,76ha) đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai để Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh quản lý. Đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Chỉnh trang đô thị khu vực phía Đông Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y; hỗ trợ kinh phí khắc phục, sữa chữa đường vào cửa khẩu phụ Đăk Kôi - Kon Tuy Neak…

Ngoài ra, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh cũng kiến nghị liên quan đến việc khắc phục khó khăn, chính sách thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Sao Mai, Hòa Bình; Khu công nghiệp Đăk Tô, cụm công nghiệp Đăk La và đề xuất vị trí xây dựng một số khu công nghiệp mới tại thành phố Kon Tum.

Tại buổi làm việc, các đồng chí A Pớt, Lê Ngọc Tuấn và các thành viên trong đoàn tham gia góp ý, trả lời các kiến nghị, đề xuất của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh.

Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang yêu cầu: Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư đến địa bàn; đối với Khu công nghiệp Sao Mai, đề nghị UBND tỉnh bố trí vốn để Khu kinh tế tỉnh triển khai; đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất của Tập đoàn Tân Mai, kêu gọi doanh nghiệp khác vào đầu tư xây dựng nhà máy chế biến; đối với khu công nghiệp mới, cần quy hoạch trên khu vực đất cao su của Tập đoàn Cao su và lựa chọn xa khu dân cư của thành phố Kon Tum…; cố gắng hình thành sớm các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp chế biến.

BBT

Top page Desktop