ke-hoach-trien-khai-thoa-thuan-hop-tac-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-giua-thanh-pho-ho-chi-minh-voi-tinh-kon-tum-giai-doan-2023-2025

Kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với tỉnh Kon Tum giai đoạn 2023-2025.

Kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với tỉnh Kon Tum giai đoạn 2023-2025.

Article

Ngày 20/11/2023, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch số 4042/KH-UBND Triển khai Bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với tỉnh Kon Tum giai đoạn 2023 – 2025.

Mục tiêu của Kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện Bản thỏa thuận hợp tác nhằm chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của hai địa phương thành giá trị cụ thể, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và của vùng Tây Nguyên.

Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và là cầu nối để các doanh nghiệp hai địa phương, cũng như các doanh nghiệp trên cả nước liên kết, hợp tác với nhau; thúc đẩy hợp tác công - tư trên nguyên tắc cùng có lợi và đóng góp vào sự phát triển chung của mỗi địa phương.

Học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý nhà nước tại các lĩnh vực mà Thành phố Hồ Chí Minh có ưu thế như cải cách hành chính, quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Về lĩnh vực hợp tác trọng tâm:

1. Phát triển du lịch

- Hợp tác quảng bá tiềm năng, thế mạnh về du lịch của mỗi địa phương; xúc tiến, phát triển thị trường du lịch trong và ngoài nước; trao đổi kinh nghiệm và hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành du lịch.

- Ngành du lịch hai địa phương vận động, tổ chức cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch hợp tác xây dựng các chương trình, kết nối tour du lịch giữa hai địa phương và mở rộng sang thị trường các tỉnh trong khu vực tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, các tỉnh của Thái Lan, Myanmar.

- Phối hợp tổ chức các diễn đàn liên kết phát triển du lịch, hội thảo, hội chợ triển lãm, các sự kiện và lễ hội của các địa phương, chương trình du lịch liên kết, hội nghị quảng bá sản phẩm du lịch kết nối; xây dựng và công bố trang thông tin điện tử về du lịch, triển khai bộ nhận diện thương hiệu du lịch; triển khai quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phần mềm du lịch thông minh; tỉnh Kon Tum và Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ nhau xây dựng các chuyên trang giới thiệu sản phẩm du lịch; phát huy vai trò của Tạp chí Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở không ngừng cải tiến nội dung, mở rộng mạng lưới phát hành; phối hợp đào tạo nguồn nhân lực du lịch.

- Tham gia các hội thảo, hội chợ, triển lãm, các sự kiện và lễ hội của hai địa phương và tham gia các sự kiện, chương trình quảng bá xúc tiến nước ngoài do địa phương bạn tổ chức (nếu có điều kiện).

2. Kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại

- Phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các diễn đàn, hội nghị, sự kiện xúc tiến đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực và tâm huyết đến đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của tỉnh Kon Tum (nông nghiệp công nghệ cao, dược liệu, du lịch và phát triển đô thị,…) và theo danh mục dự án thu hút đầu tư vào tỉnh Kon Tum. Tỉnh Kon Tum tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát, lập dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ tập huấn, đào tạo về kỹ năng thương mại quốc tế, đầu tư quốc tế, chuyển giao công nghệ,… cho tỉnh Kon Tum.

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát lưu thông hàng hóa, chống buôn lậu và gian lận thương mại, đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Hợp tác trao đổi thông tin về tình hình cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường, nguồn cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu giữa hai địa phương cho doanh nghiệp; đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, thông qua các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu được tổ chức ở hai địa phương và tạo lập thị trường trong và ngoài nước cho sản phẩm, liên kết sàn giao dịch thương mại điện tử.

- Đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh Kon Tum ký kết hợp tác với doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh để tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng và sản phẩm OCOP của địa phương. Phối hợp phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại; khuyến khích các doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, đầu tư phát triển các nhà máy sản xuất chế biến, tiêu thụ nông sản, hệ thống phân phối tại tỉnh Kon Tum nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ, ổn định sản xuất, tạo nguồn hàng hóa dồi dào cung ứng cho thị trường.

3. Phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực

- Hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực ứng dụng và phát triển công nghệ cao, công nghệ sinh học, quy trình nuôi trồng, nhân giống, chế biến bảo quản trong cây trồng (cây dược liệu, cây ăn quả, cây lương thực nấm dược liệu và nấm ăn). Phối hợp, đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ tỉnh Kon Tum phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ môi trường phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

- Hợp tác triển khai, chuyển giao các nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (các tiến bộ khoa học công nghệ về mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp, công nghệ thông tin, công nghệ chế biến nông sản,…).

- Khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tập trung các lĩnh vực: môi trường, năng lượng xanh, nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu; ươm tạo công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao.

- Phát triển hạ tầng số, nhân lực số, cơ sở dữ liệu và chia sẻ các nền tảng dùng chung cho hệ thống hành chính và cộng đồng doanh nghiệp.

- Xây dựng cơ chế kết nối các trường đại học, các viện, các trung tâm; đào tạo nhân lực theo yêu cầu.

- Hỗ trợ đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp tổ chức các hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ như: hội thảo công nghệ, chợ công nghệ và thiết bị - Techmart và các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ,…

4. Phát triển y tế, giáo dục

- Trao đổi, hợp tác với ngành y tế của Thành phố Hồ Chí Minh trong việc hỗ trợ đào tạo nhân lực y tế và chuyển giao các kỹ thuật chuyên sâu trong các lĩnh vực: Cấp cứu, hồi sức, chống độc; Tim mạch can thiệp; Ngoại khoa, Chấn thương, chỉnh hình; Phẫu thuật - nội soi; Ung bướu; Sản phụ khoa; Nhi - Sơ sinh; Huyết học truyền máu; Chẩn đoán hình ảnh; Y học cổ truyền; Phục hồi chức năng…

- Trao đổi chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn các lĩnh vực ngành y tế giữa hai địa phương trong việc quản lý, cải tiến chất lượng các dịch vụ y tế; mô hình xã hội hóa công tác y tế và kêu gọi các nhà đầu tư, liên doanh, liên kết, lắp đặt trang thiết bị y tế,… tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

- Phối hợp với các bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh triển khai Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho một số trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh mở các chi nhánh, xây dựng các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

5. Lĩnh vực nông nghiệp

- Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến gắn với nhà máy chế biến sản phẩm và hỗ trợ tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu.

- Nghiên cứu, triển khai chương trình hợp tác phát triển chế biến, tiêu thụ
nông sản. Hỗ trợ các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đến khảo sát vùng sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn của địa phương để ký kết, bao tiêu sản phẩm.

- Tập trung đầu tư phát triển các loại dược liệu phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, sinh thái của tỉnh, như Sâm Ngọc Linh, Hồng đẳng sâm, Đương quy, Đinh lăng,...; phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước.

- Hỗ trợ các mặt hàng hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, được nuôi trồng theo quy trình VietGap, GlobalGap; hướng đến xây dựng thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản, đặc sản của hai bên.

- Tổ chức các chương trình đào tạo, trao đổi học tập kinh nghiệm, học tập
các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, hướng dẫn cho các doanh nghiệp,
Hợp tác xã, hộ nông dân về quy trình, kỹ thuật nuôi, trồng theo tiêu chuẩn
VietGap, GlobalGap,… xây dựng thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản, đặc sản của hai bên.

Các lĩnh vực hợp tác song phương giữa tỉnh Kon Tum và thành phố Hồ Chí Minh gồm:

1. Phát triển năng lượng tái tạo, cây dược liệu

- Hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong việc phát triển năng lượng tái tạo (năng lượng gió, năng lượng mặt trời, thủy điện,…) và xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao, phát triển các vùng chuyên canh rau an toàn, cây ăn trái sạch bệnh, hoa kiểng, trang trại chăn nuôi, thủy sản, các loại dược liệu quý hiếm.

- Hợp tác khai thác tiềm năng, lợi thế về tài nguyên đất đai, khí hậu thổ nhưỡng của tỉnh Kon Tum để phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum trở thành một phần nguồn cung ứng các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh.

- Phối hợp thực hiện và hợp tác song phương trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ: tập trung về mảng dược liệu, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học và kỹ thuật y sinh, công nghệ thông tin…

2. Phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp

- Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ giới thiệu các nhà đầu tư, doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh có năng lực và kinh nghiệm đến tìm hiểu cơ hội và đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng vào khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh Kon Tum, ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, kho ngoại quan, dịch vụ logistics và vận tải hàng hóa.

- Giới thiệu các nhà đầu tư tại các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu đầu tư mới, di dời và mở rộng đầu tư tại khu công nghiệp của tỉnh Kon Tum.

- Hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực lập và quản lý quy hoạch và phát triển đô thị; quy hoạch; đầu tư xây dựng và quản lý các Khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp (Khu công nghiệp sản xuất và chế biến dược liệu tập trung (200ha); Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y (2.000ha)).

- Hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng, khai thác quỹ đất nhằm huy động nguồn lực đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ.

- Hợp tác, liên kết, chia sẻ thông tin trong quảng bá, thu hút đầu tư; chia sẻ kinh nghiệm trong cải thiện môi trường đầu tư của mỗi địa phương.

3. Hình thành các khu du lịch sinh thái, các khu du lịch gắn với vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên

- Tiếp tục triển khai chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh
Kon Tum và Thành phố Hồ Chí Minh, hướng đến hình thành các trung tâm
du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tỉnh Kon Tum có điều kiện tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh quảng bá du lịch Kon Tum tại Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại.

- Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và phóng viên báo, đài đi khảo sát các địa điểm có dự án kêu gọi đầu tư du lịch. Khuyến khích phát triển doanh nghiệp và thu hút nguồn lực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, trong đó ưu tiên tập trung hình thành các khu du lịch sinh thái, các khu du lịch gắn với vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên của tỉnh Kon Tum (Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen; Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh; Vườn Quốc gia Chư Mom Ray; Lòng hồ thủy điện Ya Ly và Plei Krông; Cột mốc biên giới - Ngã ba Đông Dương Việt Nam - Lào - Campuchia; Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum).

- Cung cấp thông tin về tình hình phát triển sản phẩm du lịch, các điểm du lịch, chương trình tour và các sản phẩm du lịch mới của tỉnh Kon Tum để xây dựng và công bố trang thông tin điện tử về du lịch, triển khai bộ nhận diện thương hiệu du lịch; triển khai quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phần mềm du lịch thông minh.

Phòng QLĐT.

Các tin cùng chủ đề 10
Top page Desktop