kkt-cua-khau-quoc-te-bo-y-kon-tum-can-nhieu-co-che-chinh-sach-de-phat-huy-tiem-nang

KKT CỬA KHẨU QUỐC TẾ BỜ Y (KON TUM): Cần nhiều cơ chế, chính sách để phát huy tiềm năng

KKT CỬA KHẨU QUỐC TẾ BỜ Y (KON TUM): Cần nhiều cơ chế, chính sách để phát huy tiềm năng

Article

Là KKT cửa khẩu duy nhất có ranh giới tiếp giáp với CHDCND Lào và Vương quốc Campuchia, được xác định là trung tâm trong Tam giác phát triển ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV), KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y có điều kiện rất thuận lợi trong hợp tác phát triển kinh tế thương mại và giao lưu văn hóa, du lịch với Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar qua cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, là cửa ngõ rất thuận lợi cho giao thương phát triển giữa các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là hỗ trợ kết nối vận tải biển quốc tế qua hệ thống cảng biển miền Trung của Việt Nam.

Thời gian qua, KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã nhận được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, các Bộ, ngành của Trung ương cùng sự quyết tâm của địa phương bằng nhiều nguồn lực đầu tư. Sự tham gia của các dự án đăng ký đầu tư, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn đã làm cho diện mạo của KKT có những phát triển thay đổi đáng kể. Các Khu trung tâm của KKT đã được đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư, các hoạt động thương mại, dịch vụ cửa khẩu đã và đang được các doanh nghiệp đầu tư phát triển, đây được xem là nhân tố tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế động lực huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum; cơ cấu kinh tế trong vùng có những chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng phát triển thương mại, dịch vụ gắn với kinh tế cửa khẩu; huyện Ngọc Hồi đã được công nhận là đô thị loại IV và đang đề nghị thành lập thị xã Ngọc Hồi vào nửa đầu nhiệm kỳ 2015-2020. 

Hạ tầng cặp Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Việt Nam) - Phu Cưa (Lào) được Chính phủ hai nước quan tâm đầu tư đã thúc đẩy các hoạt động đầu tư, buôn bán thương mại giữa các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan với Việt Nam: giai đoạn 2005-2016, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đạt 1,217 tỷ USD; hành khách xuất, nhập cảnh đạt hơn 2,7 triệu lượt người; phương tiện xuất nhập cảnh đạt hơn 300.000 lượt; thu ngân sách đạt 1.385 tỷ đồng; các hoạt động đầu tư ra nước ngoài qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y của các Công ty, tập đoàn lớn như: Hoàng Anh Gia Lai, Đắc Hưng Gia Lai… có xu hướng ngày càng tăng.

Tuy nhiên, trong những năm qua, KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y vẫn chưa được đầu tư đúng mức, chưa có cơ chế thích hợp nên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chưa phát huy được vị trí địa kinh tế thuận lợi đối với sự phát triển của tỉnh Kon Tum, Tây Nguyên và Khu vực Tam giác phát triển ba nước CLV. KKT vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong đầu tư hạ tầng và kêu gọi thu hút đầu tư, đó là:

Thứ nhất, một số chính sách xuất, nhập khẩu thương mại của Lào với Việt Nam có những thay đổi đòi hỏi Cửa khẩu quốc tế Bờ Y cần phải được quan tâm đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ cạnh tranh để đáp ứng hoạt động của các doanh nghiệp có hoạt động thương mại qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

Thứ hai, vấn đề thu hút đầu tư vào KKT còn nhiều khó khăn do hạ tầng KKT chưa được đầu tư đồng bộ; quỹ đất quy hoạch phát triển các KCN tập trung, khu trung tâm thương mại, dịch vụ trong KKT là rất lớn và có nhiều tiềm năng để phát triển, tuy nhiên các chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu của Nhà nước còn rất hạn chế, chưa đủ mạnh để thu hút các nguồn vốn của doanh nghiệp tham gia đầu tư vào KKT.

Thứ ba, Chương trình hợp tác xây dựng phát triển Khu vực tam giác Việt Nam - Lào - Campuchia đã được Chính phủ ba nước quan tâm nhưng các chính sách phát triển cụ thể chậm được ban hành, nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông kết nối giữa các vùng trong khu vực tam giác còn hạn chế, hạ tầng kinh tế - xã hội các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia còn thấp, cửa khẩu Đăk Côi (Việt Nam) - Kontuynias (Campuchia) chưa được khai thông. Nghị quyết 06/NQ-CP ngày 07/3/2012 về Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2011-2016, trong đó xác định 03 cặp cửa khẩu cần được ưu tiên đầu tư gồm: Cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) - ĐenSaVăn (SaVaNaKhet); Tây Trang (Điện Biên) - Pang Hôc (PhongSaLy) và Bờ Y (Kon Tum) – Phu Cưa (Attapư), tuy nhiên vẫn chưa có chính sách phát triển cụ thể để thực hiện.   

Có thể nói, những bước phát triển của KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y thời gian qua cho thấy, nơi đây đã và đang trở thành điểm trung chuyển hàng hóa trên tuyến thương mại quốc tế nối từ Myanmar qua Đông Bắc Thái Lan, sang Nam Lào và đến các nước khác qua hệ thống cảng biển của Việt Nam. Song, để khai thác và phát huy hết tiềm năng, lợi thế của KKT này trong thời gian tới, cần phải có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa của Chính phủ ba nước, các Bộ, ngành Trung ương trong việc ban hành và thực thi các Chương trình hợp tác cụ thể, các cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào KKT, tạo đà đẩy nhanh tiến trình hợp tác xây dựng Khu vực tam giác phát triển ba nước CLV. Cụ thể:

- Chính phủ ba nước cần quan tâm và hỗ trợ lẫn nhau để đầu tư hạ tầng khu vực cửa khẩu và hệ thống giao thông kết nối các cửa khẩu này với các tỉnh trong khu vực tam giác phát triển ba nước CLV; cặp cửa khẩu Đăk Côi (Việt Nam) - Kontuynias (Campuchia) cần phải được Chính phủ hai nước đầu tư khai thông, nhằm mở rộng hợp tác đầu tư, phát triển thương mại và tạo ra sự phát triển tương đồng trong Khu vực tam giác ba nước.

- Các chủ trương, Nghị quyết của Chính phủ về lựa chọn, xác định các cặp cửa khẩu quốc tế với Lào đã được xác định ưu tiên đầu tư giai đoạn 2011-2016 nhưng chưa được thực thi, cần phải được tiếp tục quan tâm thực hiện trong giai đoạn tới; đồng thời đầu tư các tuyến giao thông đối ngoại kết nối Cửa khẩu quốc tế Bờ Y với các vùng kinh tế trong Khu vực tam giác phát triển ba nước như: hỗ trợ đầu tư nâng cấp Quốc lộ 18B từ tỉnh lỵ Attapư của Lào đến Cửa khẩu quốc tế Bờ Y; tuyến đường cao tốc Bờ Y - Ngọc Hồi - Plei Ku để tạo đà cho KKT phát triển.

- Cân đối tổng hợp nhiều nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng KKT như: nguồn vốn hỗ trợ hợp tác Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia; vốn ODA; trái phiếu Chính phủ và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Đồng thời cũng cần nâng mức hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để làm “động lực” thu hút các nguồn vốn ngoài nhà nước đầu tư vào KKT.

- Với vị trí địa lý có tính đặc thù và chiến lược trong phát triển của Khu vực CLV, KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y cần được xác định là KKT cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước.

- Có cơ chế phân bổ hợp lý nguồn thu ngân sách từ các hoạt động xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y như: thuế, phí… để đầu tư trở lại kết cấu hạ tầng KKT, thúc đẩy thu hút đầu tư.

- Bên cạnh việc cần có những cơ chế, chính sách đặc thù thì việc phát huy nội lực của KKT cũng rất quan trọng, đó là: tạo vốn đầu tư từ quỹ đất trong KKT để đầu tư hạ tầng; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); thường xuyên cải thiện môi trường đầu tư một cách đồng bộ ở tất cả các cấp, các ngành để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào KKT; làm tốt, hiệu quả công tác hỗ trợ, xúc tiến đầu tư; ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, luôn đồng hành cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án.

Với chiến lược phát triển đúng đắn cùng sự quan tâm, tạo mọi điều kiện của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Kon Tum, KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y sẽ có nhiều triển vọng trở thành vùng kinh tế động lực, tạo đà cho Khu vực tam giác phát triển CLV và là một trong những điểm kết nối giao thương trên tuyến hành lang thương mại quốc tế của khu vực.

 

Theo khucongnghiep.com.vn

Các tin cùng chủ đề 10
Top page Desktop